Sinh năm 1989, học chuyên Toán trường Amsterdam, rồi lại tốt nghiệp ĐH Bách khoa, sau đó rẽ hẳn sang làm người sáng tạo origami một cách “trăm phần trăm” - nghĩa là ngoài loay hoay cả ngày với giấy và những nếp gấp, Nguyễn Hùng Cường không còn liên đới đến chuyên ngành mà anh được đào tạo chính quy. Cú ngoặt này, với những người quen biết anh từ nhỏ thì chính là “ắt phải thế”, “lẽ vốn thế”.
Sự thần kỳ của những nếp gấp
Tự học origami từ nhỏ, sớm thành thạo hầu hết kỹ thuật gấp origami và từ 10 tuổi đã bắt đầu sáng tạo ra mẫu origami của riêng mình, con đường origami của Nguyễn Hùng Cường cho đến nay chưa từng gián đoạn.
“Nếu không gấp giấy, tôi sẽ nghĩ về nó, những mẫu mới, có cách nào để tạo ra loại giấy gấp tối ưu, mẫu cũ còn có thể cải tiến như thế nào? Kể cả Tết, nếu có thời gian trống, tôi vẫn thích chui vào một góc để gấp giấy”, anh nói.
Sự kiên định và tinh thần bền bỉ đến mức coi đam mê như một phần con người mình, trước Cường, tôi mới chỉ gặp ở rocker Thành Đà Nẵng. “Tay rocker già” chơi nhạc bảy ngày trên một tuần, ba trăm sáu mươi lăm ngày trong một năm, không nghỉ thứ bảy chủ nhật, không nghỉ lễ Tết, tập đàn nhiều đến mức vân tay trái của anh hoàn toàn biến mất.
Khi tôi hỏi, thời điểm quyết định bỏ công việc của một Thạc sĩ kỹ thuật điện tử được đào tạo chính quy để nghiêng hẳn sang gấp giấy vốn thường được coi là “trò chơi trẻ con”, anh có phải đắn đo nhiều không, Nguyễn Hùng Cường bảo: lúc ấy cứ phải phân thân giữa gấp giấy và đi làm, kết quả hai việc đều không thể chu toàn, cộng thêm lịch mời của các hội origami quốc tế hơi dầy, nên quyết định bỏ việc.
Nói về quãng thời gian học chuyên Toán của mình, Nguyễn Hùng Cường cho biết: không phải là không sử dụng kiến thức nữa, mà dùng nó theo một cách khác. Gấp giấy cần kiến thức hình học, nếu không vững về hình thì rất khó để sáng tạo. Nói đoạn anh ví dụ cho tôi mẫu nào thì cần kiến thức về phân giác, trung tuyến, tam giác đồng dạng, mẫu nào thì cần dùng đến phân tích sin, cos, căn bậc hai...
Ngẫu nhiên, tôi đưa mẩu hóa đơn cà phê hình chữ nhật và đề nghị anh có thể gấp bất cứ mẫu hình nào. Trái với hình dung của tôi, một người có kinh nghiệm gấp giấy hơn 20 năm nhắm mắt cũng có thể biến ra một cái gì đó, Cường có chút đăm chiêu bảo anh “phải nghĩ” đã.
Sau một hồi gấp, miết, mẩu giấy bé nằm lọt trong lòng bàn tay ấy biến thành một nửa trái tim có độ cong rất mềm, và độ cong ấy được hình thành từ những nếp gấp origami chứ không phải uốn hay vuốt giấy. “Là một kỹ thuật khó”, anh bảo thế.
Giải thích về tình yêu của mình với origami, Nguyễn Hùng Cường cho rằng, anh thích sự “thần kỳ” của quá trình trước và sau khi sáng tạo. Chỉ từ một tờ giấy và những nếp gấp, người ta có thể tạo ra bất cứ thứ gì mình muốn.
Người sáng tạo
Nguyễn Hùng Cường nói rằng anh không thích được gọi là nghệ sĩ, người sáng tạo là danh xưng anh thấy “hợp lý” hơn.
“Nghệ sĩ làm xong tác phẩm của mình, họ sẽ quên nó và đi đầu tư cho tác phẩm mới. Tôi thì luôn muốn cải tiến những thứ mình đã làm ra. Một trong những tác phẩm mà tôi tự hào chính là “Lan vũ nữ”, nhưng tôi nghĩ vẫn có thể làm cho nó tốt hơn”.
Gần như là người đầu tiên ở Việt Nam dùng giấy dó truyền thống để gấp origami, và để khắc phục nhược điểm mềm của giấy dó, Nguyễn Hùng Cường đã tìm ra cách hồ giấy để tăng độ cứng sau khi đọc sách của một số tác giả quốc tế. Từ đó, kỹ thuật hồ giấy dó của Nguyễn Hùng Cường được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng origami. “Mọi người hài lòng với cách làm này, và không ai thắc mắc gì. Nhưng gần đây tôi nhận thấy, nó vẫn chưa ổn, tôi đang thử để tìm ra một phương án tối ưu hơn”.
Quá trình tạo ra tác phẩm của Nguyễn Hùng Cường thường đi từ nhỏ đến lớn, bắt đầu từ đôi mắt. “Với con vật, tôi thử thách bản thân bằng cách gấp mắt của chúng theo nhiều cách khác nhau và cố gắng làm cho chúng sống động nhất có thể”. Trường hợp tác phẩm không có yêu cầu đặc biệt về kích cỡ, anh thường chỉ sáng tạo trong phạm vi một tờ giấy vuông, không cắt. Các chi tiết ghép sẽ liên kết với nhau bằng khớp giấy, chứ không cần dùng keo.
Quan sát quá trình gấp giấy của anh, dễ nhận ra “người sáng tạo” này có yêu cầu rất cao, thậm chí đến mức nghiêm ngặt trong công việc, kể cả ở những tiểu tiết. Trung bình anh mất 1-2 tháng để tạo ra một tác phẩm mới, mỗi tác phẩm ít nhất phải trải qua 30 bản nháp. Cũng vì sự kỹ lưỡng này, sau hơn 20 năm gấp giấy, Nguyễn Hùng Cường cho biết anh mới chỉ tạo ra được khoảng 200 mẫu origami: “không nhiều”!
“Năm 2017 tôi có dự một hội nghị origami chuyên nghiệp ở Pháp, ở đây, nghệ sĩ origami nổi tiếng Robert J Lang có một chuyên đề chỉ nói về cách đóng gói tác phẩm origami. R.Lang đã làm việc với nhiều bảo tàng lớn trên thế giới và ông rút ra được rất nhiều kinh nghiệm vận chuyển tác phẩm nghệ thuật.
Từ việc tạo ra hộp đựng sao cho vừa khít, cách khóa hộp, và cả cách dính băng dính để người nhận có thể mở hộp đúng chiều. Cuối cùng, một câu nói của ông tác động sâu sắc đến tôi: “Mình muốn nâng tầm sản phẩm của mình như một tác phẩm nghệ thuật thì phải đối xử với nó như một tác phẩm nghệ thuật thực sự, phải chú ý đến tất cả các khâu, kể cả khâu đóng gói”, anh kể.
“Một danh tiếng quốc tế”
Đây là danh xưng mà Le Courrier (tờ báo tiếng Pháp duy nhất ở Việt Nam) dùng để gọi “nghệ sĩ origami Nguyễn Hùng Cường”.
Năm 2009, 20 tuổi, Nguyễn Hùng Cường đoạt giải nhì tại Origami USA Convention. Kể từ đó, anh thường là khách mời danh dự tại các triển lãm quốc tế về origami. Các tác phẩm của anh đã được giới thiệu tại bảo tàng Zaragoza, Tây Ban Nha, bảo tàng Khoa học Oklahoma, Hoa Kỳ và được đăng tải trên các trang tin uy tín như Huffington Post (Mỹ), ABC News (Mỹ), Etoday (Nga)...
Lấy vợ nhờ origami
Suốt thời niên thiếu và cả khi trưởng thành Nguyễn Hùng Cường nói rằng, giấy là bạn thân của anh. Cường quen biết vợ cũng là nhờ origami.
“Khi tôi đang muốn tán tỉnh, cô ấy bảo: Giá mà gấp được quả táo bằng origami nhỉ! Tôi nghĩ, ý hay quá, bởi vì gấp táo origami hình như chưa ai làm. Tôi thì luôn bị thu hút bởi những đề bài khó. Đây là một trong những mẫu khó dù không quá phức tạp, vì phải tận dụng chỉ một tờ giấy lẫn tính hai mặt của giấy.
Tôi nghĩ mãi, cuối cùng ra ý tưởng làm nửa quả táo vỏ đỏ ruột xanh. Đầu tiên, tôi gấp hai cái hạt đối xứng hình trái tim. Nếu nhìn táo nguyên bản thì hạt chúc xuống dưới, nhưng khi gấp giấy, tôi cho nó quay lên, vừa vặn hợp thành hình trái tim xinh xắn. Xong hạt, tôi gấp đến lõi, rồi mới đến vỏ, quả táo dần hình thành, giống như gieo một hạt giống, nó mọc mầm rồi lên thành cây”.
Hiện hai con người mê origami ấy đã về chung một nhà, nhưng chỉ còn một người theo đuổi origami chuyên nghiệp, vợ Cường lui về sau làm hậu phương ủng hộ cho những sáng tạo mới của chồng.
Đặc biệt, màn trình diễn của anh trên một tờ giấy vuông chưa cắt có tựa đề Gorilla (Khỉ đột) đã được bậc thầy origami người Mỹ -Robert J. Lang đánh giá cao bởi “những đường nét hình học khác biệt”, R.Lang cũng coi “Khỉ đột” là một trong hai tác phẩm yêu thích của mình tại Hội nghị thường niên Origami USA 2009.
Còn đây là giới thiệu của tờ Huffington Post: “Khỉ đột, cá mập, bọ cạp..., thế giới động vật hình thành từ một tờ giấy truyền thống của Việt Nam có tên là Dó do Nguyễn Hùng Cường gấp. Origami của anh đã tạo nên một vườn thú giấy tuyệt vời”.
“Tôi luôn cố gắng làm tác phẩm bằng một tờ giấy duy nhất. Đó là thứ phức tạp nhất, nhưng khi làm điều đó, tôi cảm nhận được cảm xúc lớn nhất “, anh chia sẻ.
Chấp nhận từ bỏ công việc ổn định, chuyên tâm vào sáng tạo origami với thu nhập “bình thường” (từ việc bán tác phẩm, nhận các đơn hàng thương mại, dạy origami...), Nguyễn Hùng Cường nói rằng anh chưa từng ân hận. Bởi cho đến thời điểm này, chàng trai 32 tuổi có bề ngoài hệt một sinh viên sau nhiều năm gắn bó với công việc “không có tiền đồ” (như nhận xét của một số người) vẫn còn nguyên cảm xúc buồn bã, bứt rứt, khổ sở cả ngày khi mãi chưa tìm ra cách làm tác phẩm mới, và “sung sướng không gì diễn tả nổi, đến mức không ngủ được” khi giải được đề bài khó mà anh tự đặt ra.
“Đối với tôi, Nguyễn Hùng Cường là một thần đồng origami. Khi tham gia VOG (Vietnam Origami Group), anh ấy là người trẻ nhất, nhưng anh ấy đã làm được những điều mà chúng tôi không thể làm được. Trong các cuộc thi trong hội, anh ấy luôn đoạt giải nhất". Trần Trung Hiếu, thành viên VOG