Chương trình mang đến dịch vụ cấp nước sạch và vệ sinh môi trường được thực hiện theo nguyên tắc đáp ứng nhu cầu người dân trên cơ sở cung cấp thông tin đầy đủ để người dân được lựa chọn loại hình dịch vụ cấp nước và vệ sinh, hình thức chi trả và mô hình quản lý tốt nhất để vận hành. Tất cả người dân trong vùng phục Chương trình đều có quyền được hưởng lợi từ Chương trình nếu họ mong muốn (đáp ứng theo nhu cầu).
Trong hợp phần vệ sinh nông thôn sẽ bao gồm việc hỗ trợ cải thiện điều kiện vệ sinh cho các trạm y tế và hộ gia đình. Chương trình sẽ cung cấp chi phí để xây dựng mới, nâng cấp hoặc sửa chữa các công trình cấp nước và thiết bị xử lý nước sạch. Các công trình vệ sinh cũng được xây mới hoặc nâng cấp, trong đó đặc biệt chú trọng đến xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và bố trí các điểm rửa tay phù hợp cho người dùng dễ dàng sử dụng sau khi đi vệ sinh.
Tại Đắc Lắc, ở hợp phần cấp nước nông thôn, hiện đang thi công 4 tiểu dự án, dự kiến trong năm 2019 sẽ đấu nối cho 2.550 hộ; triển khai đầu tư xây mới, cải tạo 63 công trình cấp nước và vệ sinh cho các trường học.
Đối với hợp phần vệ sinh nông thôn, tỉnh có 10 xã đăng ký đạt vệ sinh, 12 trạm y tế xây dựng mới, cải tạo công trình cấp nước và vệ sinh; 2.356 hộ được hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Về hợp phần nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá Chương trình thì tỉnh cũng đã xây dựng các kế hoạch và tổ chức thực hiện về truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh, tăng cường năng lực, truyền thông hợp phần cấp nước; kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.
Đối với tỉnh Kon Tum, mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 25 xã được công nhận “Vệ sinh toàn xã” với các tiêu chí: 70% số hộ gia đình có nhà tiêu cải thiện; 80% số hộ gia đình có điểm rửa tay, có xà phòng hoặc sản phẩm thay thế xà phòng; tất cả các trường học, trạm y tế có công trình cấp nước và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn và có điểm rửa tay hoạt động.
Đối với 25 xã được công nhận “Vệ sinh toàn xã” sẽ có 100% số hộ dân được tuyên truyền, vận động xây dựng và sử dụng nhà tiêu cải thiện; được cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân và rửa tay với xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng; 100% giáo viên và học sinh các trường mầm non, tiểu học được cung cấp kiến thức về sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách, rửa tay với xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng…
(Ảnh: Báo Pháp luật và Đời sống)
Ngoài ra, 90% số cán bộ trạm y tế xã, y tế thôn tham gia thực hiện Chương trình được đào tạo tập huấn về các mô hình thúc đẩy vệ sinh, truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh, thúc đẩy thị trường vệ sinh và kiểm tra, giám sát vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, nhà tiêu trường học và trạm y tế….
Nhiều vùng nông thôn thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thuộc các huyện Ea Súp, Cư M’gar, Krông Ana, Ma Đ’rắk, Buôn Đôn… (Đắk Lắk) trước đây, hàng ngày đồng bào phải mất nhiều thời gian ra sông, suối để gùi từng ống tre, xô nước về dùng nên thường ốm đau, bệnh tật. Thậm chí, đến mùa khô, các dòng sông, con suối khô kiệt, cáu bẩn, đồng bào phải vét, hứng từng ngụm nước không hợp vệ sinh về dùng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân cũng như chứng minh chương trình đầu tư và tỉnh đã đem lại hiệu quả.