Đầu đội mũ fedora, miệng ngậm điếu xì gà, nhạc sĩ Phú Quang phong lưu giữa cái "lãng đãng đông Hà Nội": "Tôi thích mùa đông Hà Nội bởi nếu ai ở Hà Nội rồi đi miền đất khác sẽ nhớ nhất là mùa đông. Tôi để ý nhiều cô gái Sài Gòn hơi tí lạnh đã mặc áo lông, quấn khăn như ngày đại hàn. Có lẽ là con người ta thèm những gì họ thiếu".
Phú Quang chọn thời điểm này tổ chức đêm nhạc Những nẻo đường anh đã đi qua để cảm ơn những người yêu nhạc của ông.
Cái tên "Những nẻo đường anh đã đi qua" trong đêm nhạc ông sắp làm có ý nghĩa gì?
Cái tên ấy nó bình thường thôi. Có những người thấy mình oai hùng thì phải nói "những con đường, đại lộ tôi đã đi qua". Đời tôi thì suốt đời đi ở những nẻo đường, mà tôi cũng thích thế. Đi con đường nhỏ đôi khi người ta không công nhận, không được tung hô. Nhưng cuộc đời của ai cũng thế, phải tự bước đi chứ không thể trông chờ vào những thứ hư danh. Tôi chỉ có mỗi một điều dám tự hào là mình là người lao động lương thiện, cần cù chứ chẳng có tài năng gì ghê gớm. Nếu không được đi ôtô, máy bay thì cứ đi cái xe đạp lọc cọc rồi cũng đến nơi. Tôi cứ đùa đi đường đông kẹt xe, tai nạn nhiều, đi nẻo đường cho nó khuất, bình yên, mà đường con thì chắc ít người ghen ghét.
Tôi nhớ năm 14 tuổi, tôi học rất giỏi, được đề cử đi học nước ngoài. Nhưng nhà trường để hở ra thông tin nếu mình không đi sẽ có người khác. Thế là các đoàn viên dứt khoát không cho tôi kết nạp vào đoàn. Mình chăm chỉ, ngoan ngoãn, học giỏi, họ vu cho mình kiêu ngạo. Họ nói tôi suốt ngày chỉ ru rú vào sách vở, không chịu hòa đồng với quần chúng, mà hòa đồng với quần chúng tức là phải ngồi uống nước chè, ăn kẹo dồi. Mình không có thời gian để làm việc đó nên người ta ghét. Từ đó, tôi tránh chỗ đông người. Những nơi người ta đổ xô đến thì mình không muốn chen vào.
Cái tên như một sự tổng kết cuộc đời vậy, ông thấy sao?
Mọi người bảo thế này là hết à? Hết làm sao được. Bây giờ tôi lại đi tiếp những nẻo đường khác. Lần sau biết đâu tôi sẽ ghi là những nẻo đường tôi vừa đi tiếp hay đề phần một, phần hai, phần ba, phần bốn...
Lần này, tôi sẽ kể tất cả buồn vui của mình thật hơn những lần trước. Có những điều người khác không nói nhưng mình cũng sẽ nói. Có điều nó chả ảnh hưởng đến ai, chỉ là những buồn vui của riêng mình.
Ông thấy cuộc đời mình đến hiện tại buồn hay vui, được hay mất nhiều hơn?
Cuộc đời tôi đã gặp nhiều điều oái oăm. Tôi hiểu ra từ năm 14 tuổi rằng vũ khí tốt nhất để chống trả tất cả bất hạnh là nụ cười. Mình cứ cười như không có chuyện gì. Nếu đã đau khổ mà còn than vãn thì không có tác dụng gì, chỉ làm đau đớn thêm lên.
Năm 14 tuổi, tôi đã khóc trước tất cả đám đông vì buồn quá, không hiểu sao người ta có thể đối xử với mình như thế. Khi khóc, tôi thấy gương mặt hả hê của kẻ xấu, còn người tốt bụng lại vờ quay đi không nhìn thấy. Từ đó, tôi ghét cả hai gương mặt như nhau. Người tốt mà không nói gì cũng là xấu. Sau lần đó, tôi đeo chiếc mặt nạ vô cảm để chống trả những điều tàn nhẫn. Cũng từ đó, không ai còn bắt gặp một nét đau đớn nào trên gương mặt tôi.
Ông đã phải đeo chiếc mặt nạ ấy bao lâu?
Chỉ ít năm sau đó thôi. Từ những năm hai mấy tuổi trở đi, tôi sống ít thù oán, trách hận cuộc đời. Khi gặp kẻ xấu, tôi luôn tin còn nhiều người tốt. Đến bây giờ càng thấy điều đó đúng, một phần là nhờ ảnh hưởng từ mẹ tôi. Ngày đó, trong những người được đi học nước ngoài, nhiều người kém hơn tôi. Tiễn họ lên đường, tôi đi về và rất buồn, nửa đêm lang thang ngoài đường. Cũng hơn một lần tôi muốn nhảy vào tàu hỏa nhưng thương bố mẹ nên lại quay về lén mở cửa vào nhà. Ngày hôm sau tôi bỏ cơm. Mẹ tôi mới nói: “Mợ biết hôm qua con bỏ đi suốt đêm. Mợ thức cho đến lúc con về, mở cửa vào. Con đừng hy vọng mợ sẽ an ủi con cái gì. Riêng việc con cứ cắm đầu cắm cổ vào học để giỏi hơn người này người kia thì đã đáng ghét lắm rồi". Tôi ngộ ra luôn. Tôi xuống ăn liền sáu, bảy bát cơm một lúc. Sau này, phần lớn cuộc đời tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ.
Tôi cũng dần nghiệm ra một điều là thượng đế rất công bằng. Ngài cho cái gì thì sẽ lấy lại cái đó, mà lấy cái gì sẽ bù lại cho mình cái khác. Hồi trẻ tôi sáu, bảy lần không đi nước ngoài được. Sau này tôi hơn 40 lần đi bằng giấy mời cá nhân, tự quyết định không cần xin phép ai.
Những nẻo đường Phú Quang dường như có rất nhiều phụ nữ, bằng chứng là các sáng tác của ông dành cho nhiều "em" lắm. Ông nói sao?
Có người hỏi "Có phải mỗi bài hát của anh là một em không?". Tôi có 400 bài hát mà thích 400 em thì giờ tôi thành xác ve à. Cũng có những em tưởng tượng, tất nhiên cũng dựa trên những điều có thật nhưng tôi chả nói cụ thể như khai báo lý lịch làm gì. Nhỡ nói ra ông chồng kia nổi máu ghen có phải hại đời người ta không. Quan trọng nhất là muốn đến với tất cả mọi người thì phải viết cho tất cả. Tác phẩm của mình viết cho cuộc đời thì mỗi người sẽ tìm thấy một góc nào đó của họ trong bài hát.
Các chương trình của ông chưa bao giờ nhắc tới một "em" đặc biệt là vợ ông. Người đó giữ vị trị thế nào trên hành trình ông đã đi qua?
Tôi có nửa đùa nửa thật với vợ tôi rằng nếu anh chưa bao giờ biết yêu thì làm sao mà yêu em được. Nếu anh chưa bao giờ tốt với phụ nữ thì sao mà tốt với em. Ngay ngày xưa khi tôi yêu vợ, cô ấy có đứa con riêng. Tôi có tâm sự: "Nếu ai không yêu con anh được thì anh cũng không yêu người đó. Anh cũng khuyên em, em có thể yêu anh hoặc không nhưng nếu ai không biết yêu con em thì em đừng nên lấy". Tôi nghĩ sống phải độ lượng và vị tha như vậy.
Nghệ sĩ chúng tôi dở hơi lắm. Nhưng cô ấy hiểu cái dở hơi và tìm thấy trong cái dở hơi đấy những điều dễ thương thì người ta yêu mình thôi.
Phú Quang ở nhà là người như thế nào?
Tôi rất chiều vợ, chiều con. Cô con riêng của vợ từng viết hẳn trong bài văn rằng coi cha dượng như cha đẻ. Nó nói về nỗi buồn của nó nhưng cũng nói may mắn khi được cha dượng thương yêu. Tôi có đặc điểm là con riêng, con chung tôi không phân biệt. Cha mẹ mình, cha mẹ người kia cũng không phân biệt. Đã là cha mẹ thì luôn là cha mẹ, con cái đều là con cái.
Tôi chẳng phải người chồng, người cha hoàn hảo lắm. Tôi cũng có đầy lỗi lầm nhưng có thể tha thứ được.
Điều gì khiến ông đều đặn tổ chức các đêm nhạc của mình như vậy?
Mấy năm gần đây mỗi năm tôi làm hai lần, mỗi lần ba đêm. Nó xuất phát từ nhu cầu khán giả, họ thích đến với mình thì mình làm thôi. Khi nào khán giả còn cần thì tôi vẫn còn làm. Tôi thừa nhạy cảm để biết khi nào người ta chán mình. Lúc đó, dù có làm 15 phút, tôi cũng không làm.
Tôi cũng không cần phải làm gì mới hay khác biệt để thu hút khán giả. Điều đặc biệt nhất trong đêm nhạc Phú Quang vẫn chỉ là nhạc Phú Quang mà thôi.
Phú Quang từng nói "Vui là chính, kiếm tiền là chủ yếu". Điều đó áp dụng thế nào trong việc tổ chức các đêm nhạc của ông?
Câu đó tôi nói đùa thôi. Nhưng không có tiền thì làm sao mà sống, mà sáng tạo được. Tiền không phải chủ yếu mà vui cũng chả phải chủ yếu. Vấn đề là tôi chỉ muốn làm cho khán giả vui thôi. Tôi cần tìm thấy sự hài lòng ở khán giả. Đấy là hạnh phúc để mình tin là đã đi đúng đường. Lòng tin của khán giả là thứ để mình bước đi trong cuộc đời này. Nếu mình sống mà chả ai tin thì làm sao sống được.