Phu nhân Tổng Bí thư Lê Duẩn: Người phụ nữ VN đầu tiên du học báo chí

NĐVN - Chiến tranh trải dài suốt cuộc đời bà, cho nên cả cuộc đời bà gắn với tình yêu đất nước, tình yêu kính một người chồng, người lãnh đạo cao cấp của chính phủ lẫn nỗi đau chia cắt, sự nhẫn nại để chờ đến hòa bình.
Với người chồng lãnh tụ

Giờ thì người đàn bà tài sắc vẹn toàn ấy đã hưởng trọn tuổi già bên các con hiếu thảo ở tuổi 80, bà có bí danh là Bảy Vân và tên thật là Nguyễn Thụy Nga.

Ven tường một biệt thự cao sang ở quận 2, TPHCM là hàng so đũa trổ bông tím. Màu tím sâu thẳm, gợi buồn, gợi nhớ về những năm tháng chiến tranh và niềm thủy chung của những người đang còn sống.

Đó là điều tôi cảm nhận về hàng so đũa tím khi nữ chủ nhân chọn trồng trong biệt thự. Nếu không, sao trong sân vườn biệt thự này không chỉ là phù dung, bạch mai, hồng mai, hoàng hậu…

Cơ duyên tôi biết bà Nguyễn Thụy Nga bắt nguồn hồi ức của bà về bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Bà kể: “Thời chống Pháp, tôi cùng chị Đoàn Kim Định- Đoàn phó Hội Phụ nữ Nam bộ được phân công về công tác chính trị trong lớp y tá, hộ sinh 18 tháng do ông bác sĩ Nghiệp và chị Ba Thương phụ trách. Khi hai chị em tôi mới về, ông bác sĩ rất ghét, ông nói: “ Trung Ương Cục đem hai lá “bùa bát quái” dán ở cửa trường ông”.

Ông rất ít khi nói chuyện với chúng tôi. Nhưng dần dần, với sự sâu sát, giúp đỡ, động viên chân tình của cán bộ chính trị đối với quần chúng đã thuyết phục được ông. Ông không còn gọi chúng tôi là hai “lá bùa bát quái nữa”.

Thông minh, chịu khó, nhẫn nại; bà học được nghề nữ hộ sinh, để rồi trong những năm chính quyền Diệm khủng bố ác liệt người kháng chiến cũ, với nghề nữ hộ sinh, bà len lỏi hoạt động trong lòng địch. Trong đáy lòng, bà rất biết ơn “anh Chín Nghiệp và chị Ba Thương đã giúp tôi biết thêm một nghề có giá trị”.

Nơi trang trọng nhất ngôi nhà, bà dành cho những bức chân dung của một thời hạnh phúc và đau khổ. Với bà, đau khổ và hạnh phúc cũng là một. Trong sâu thẳm đời người, bà thấu hiểu không thể  có hạnh phúc vĩnh cửu  mà chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc.

Dù chỉ là khoảnh khắc, bà đã trân trọng gìn giữ để giờ đây, bà có được những quả ngọt từ đau đớn, chia ly. Bà chân thành nói “Tôi có một cuộc đời không tròn trịa”.

Sau này, khi đã xem tôi như con cháu, bà kể về mối tình đầu năm 14 tuổi của mình. Bà đã chân thành yêu và bảo vệ tình yêu của mình, dù phải đối mặt với nghịch cảnh.

Cũng chính vì tính cách đặc biệt này mà vào năm 1947, định mệnh cho bà gặp được người đàn ông của cuộc đời bà, đồng chí Lê Duẩn tổng Bí thư của Đảng.

Có người phụ nữ nào trên thế gian được hưởng niềm hạnh phúc lớn như bà, khi trong ngày hôn lễ đơn giản, người đàn ông ấy đã đọc bài thơ tặng bà bằng tất cả sự thấu hiểu, sự bao dung, trân trọng.

Bài thơ đó ông vừa nhắc lại mối tình cũ của bà mà ai trong đám cưới cũng đều biết, vừa khẳng định tình yêu giữa ông và bà trong tương lai:

Hỡi cô con gái Đồng Nai
Năm nay là mấy năm rồi cô yêu?
Hôm qua gió lạnh đìu hiu.
Lòng cô man mác trăm chiều nhớ thương
Hôm nay trời lạnh mây quang,
Gió xuân đầm ấm, mùi hương đậm đà
Tơ tình ta lại là ta
Say sưa bao xiết là ta với mình.
Cho hay là giống hữu tình,
Đố ai cắt được tơ mành làm đôi!”.

Với mẹ và con đầu lòng

Tính cách mạnh mẽ, rất đàn ông ấy khiến bà đã trải qua một quãng đời sáng bừng hạnh phúc trong những năm kháng chiến chống Pháp. Bà không hề hối tiếc khi từ chối nhiều lời cầu hôn của những người đàn ông tài giỏi, danh tiếng để chọn lựa ông.

Nhưng cùng với sự chia cắt đất nước sau Hiệp định Genève; cuộc đời bà trải qua những năm tháng chia ly, đau thương và nước mắt. Vì nhiệm vụ cách mạng, chồng bí mật ở lại miền Nam, bà đưa các con ra Bắc.

Đó là cuộc chia ly trong lặng lẽ, nước mắt: “Tuy tôi nằm trong cabin nhưng vẫn nghe từng tiếng nói của anh, từng động tác của anh. Khi anh bước xuống ca nô, ca nô nổ máy vọt ra, sóng xô lại mạn tàu nghe lào xào.

Tôi nghĩ: vậy là chúng tôi xa nhau mà không biết bao giờ gặp lại. Con tôi trong bụng đạp mạnh, mọi khi có anh, anh hay đặt tay lên chỗ nó đạp, bây giờ thì không ai sờ nó nữa. Nước mắt tôi mặc tình chảy tuôn xuống gối…”.

Đất nước còn chiến tranh chia cắt, nước mắt bà tiếp tục chảy. Bà dũng cảm bước đi trên con đường thiên lý với trái tim tan nát  của một người phụ nữ khao khát hạnh phúc mà phải chấp nhận chia ly.

Trước nỗi đau dân tộc, bà tự nhủ nỗi đau riêng tư của mình trở nên nhỏ bé. Bà nuốt lại nỗi đau, kiên nhẫn khẳng định mình. Đó cũng là người phụ nữ đầu tiên sang Trung Quốc học Đại học báo chí; người phụ nữ đầu tiên trên con tàu không số về Nam, cùng nhân dân miền Nam trải qua những ngày Mậu Thân máu lửa, bị địch phong tỏa, càn quét, nằm hầm bí mật, đối mặt với đạn bom, với những cơn đói “run cầm cập, tứ chi bủn rủn”…

Nhưng bà không hối tiếc điều gì, khi bà đã được đón nhận những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của đời người. Chỉ mấy năm bên nhau nhưng bà có cả gia tài đau khổ và hạnh phúc.

Trọn đời bà vẫn bên ông, bất chấp cả cái chết. Hiểu được nỗi đau của mẹ, các con rất yêu bà và hiếu thảo, muốn làm tất cả mọi điều để bù đắp cho bà. Ở tuổi 80, bà vẫn đẹp- một nét đẹp kiêu hãnh, đường bệ và quý phái. Thời gian không xóa nổi tình yêu và nhan sắc của một người phụ nữ dám yêu và dấn thân vào lửa đỏ…