Phòng không Nga có bắn hạ được tiêm kích tàng hình F-22?

TPO - Một câu hỏi lớn luôn được người quan tâm đến lĩnh vực quân sự quan tâm thời gian gần đây là liệu các máy bay tàng hình tối tân của Mỹ như F-22 hay F-35 có thể bị phòng không đối phương phát hiện và bắn hạ hay không.

Nga đã thử nghiệm một số kỹ thuật khác nhau để đánh bại công nghệ tàng hình. Ví dụ như cố gắng phát triển một mạng lưới phòng không tích hợp với nhiều radar cùng tìm một máy bay từ các hướng khác nhau, nhưng hiệu quả đến đâu còn chưa rõ.

Các chuyên gia cho rằng phòng  không Nga thừa đủ năng lực bắn hạ các máy bay thế hệ 4 của Mỹ như F/A-18 E/F Super Hornet hay F-16 Fighting Falcon, nhưng vẫn đang xoay sở để tìm ra cách xử lý hiệu quả đối với các máy bay thế hệ 5 như F-22 hay F-35.

 “Về chuyện thiết lập một hệ thống phòng không khả dĩ chống lại các máy bay thế hệ 5, việc Nga đang nghiên cứu một số cách thức giải quyết mối đe dọa từ máy bay tàng hình là rất rõ ràng”, Mike Kofman, chuyên gia về quân sự Nga của tổ chức nghiên cứu CNA Corporation nói với National Interest. “Các radar tiên tiến của Nga, một số lượng đa dạng các hệ thống tên lửa  đang cố gắng tích hợp khối lượng lớn dự liệu để hệ thống phòng không hiệu quả hơn”.

Ông Kofman lưu ý rằng các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga như S-300, S-400 avà sắp tới là S-500 đều có các hệ thống được thiết kế để phát hiện và theo dõi  các máy bay bộc lộ tín hiệu radar thấp như F-22 và F-35. Đó đơn thuần là hiện tượng vật lý. Vấn đề đối với Nga, theo chuyên gia Mỹ, là trong khi các radar cảnh báo sớm của họ hoạt động trên các dải tần VHF, UHF và S có thể phát hiện và thậm chí bắt bám một máy bay tiêm kích tàng hình chiến thuật, các hệ thống này không cung cấp đủ dữ liệu bắt bám đủ ở mức có thể dẫn bắn cho vũ khí.

“Nga đã đầu tư nhiều radar cảnh báo sớm dải tần thấp, với một số hệ thống rất tuyệt vời, nhưng liệu họ có thể sử dụng chúng để có được hình ảnh đầy đủ để bắt bám và dẫn bắn vũ khí chống lại các máy bay tàng hình hay không?”, ông Kofman đặt vấn đề.

Hệ thống phòng không S-400

Theo các nguyên tắc vật lý, một máy bay tiêm kích tàng hình phải được tối ưu hóa để chống lại các dải tần có tần số lớn như C, X và Ku, thường được áp dụng trên các radar kiểm soát hỏa lực nhằm cung cấp hình ảnh radar với độ phân giải cao hơn.

Các chuyên gia Mỹ trong lĩnh vực hàng không đều đồng ý rằng khi bước sóng dải tần vượt quá  một ngưỡng nào đó sẽ tạo ra hiệu ứng dội lại. Hiệu ứng này xuất hiện khi một chi tiết nào đó của chiếc máy bay, ví dụ cánh đuôi đứng, thấp hơn 8 lần kích cỡ của một bước sóng cụ thể.

Và một chiếc tiêm kích tàng hình chiến thuật sẽ “hiện hình” trên radar khi nó hoạt động ở dải tần thấp, ví dụ như S hay L hoặc thậm chí là ở tần số thấp hơn.

Các máy bay tàng hình lớn hơn như Northrop Grumman B-2 Spirit hay sắp tới là đàn em B-21 không có những đặc điểm gây ra hiệu ứng dội lại tín hiệu và do vậy hiệu quả hơn khi đối đầu với các radar tần số thấp.

Nga vẫn đang tìm cách giải bài toán phát hiện và bắt bám các máy bay tàng hình nhưng chưa có thông tin họ đã giải được bài toán này.  Theo ông Kofman, đánh bại công nghệ tàng hình là một trong những ưu tiên hàng đầu của giới quân sự Nga.

Tuy nhiên, điều cần nhắc tới ở đây là công nghệ tàng hình ngày càng mất đi lợi thế ban đầu, cho dù chi phí nghiên cứu chế tạo vẫn cao ngất ngưởng. Ngay cả các chuyên gia Mỹ cũng tin rằng giải bài toán máy bay tàng hình mà Mỹ đề ra chỉ là vấn đề thời gian, giống như câu chuyện cây giáo và chiếc khiên, phòng thủ và tấn công cứ đổi vai nhau thắng thế.