Phòng chống thiên tai, 'đừng để nước đến chân rồi mới nhảy'

TPO - Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chủ động xây dựng chương trình kế hoạch phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn, tránh tình trạng “nước đến chân rồi mới nhảy là không kịp”. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chưa khi nào lại xảy ra mưa đá, giông lốc trong đêm 30 Tết

Chiều 15/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 theo hình thức trực tuyến đến cấp huyện.

Báo cáo về tình hình thiên tai của Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường. Trên cả nước đã ghi nhận 7 đợt giông lốc, mưa đá dữ dội trên diện rộng. Đặc biệt, chưa bao giờ trong đêm 30, ngày Mùng 1 Tết lại xảy ra mưa đá, giông lốc, sét ở rất nhiều tỉnh thành như năm qua.

Trong khi đó, ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, dự báo cả năm sẽ có 13 cơn bão, bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với 2019. Nhiệt độ trung bình năm cao hơn 0,5- 1,5 độ C ở phía Bắc, 1 độ C ở phía Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, 4 tháng đầu năm 2020, Yên Bái đã có 5 đợt thiên tai, trong đó có 4 trận mưa đá, 1 trận mưa giông làm 1 người chết, thiệt hại nhiều về nhà cửa, tài sản của người dân.

Điểm đáng chú ý là hiện tượng mưa đá năm nay xảy ra nhiều hơn hẳn, xuất hiện trên diện rộng, trong đó Yên Bái ghi nhận nhiều điểm mức độ dữ dội.

Ông Duy kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng chương trình tổng thể về di dân tái định cư để đưa người dân khỏi khu vực nguy hiểm (nằm trên bản đồ khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất), đưa nội dung này vào kế hoạch bố trí vốn đầu tư công.

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre thì chia sẻ những kinh nghiệm ứng phó hạn mặn của vùng đất “tứ bề ngập mặn” này. Giải pháp đề ra là những đầu tư căn cơ vào các công trình thủy lợi. Bến Tre khẳng định đến 2030, hệ thống hồ chứa nước ngọt hoàn thành sẽ đảm bảo “ngọt hóa” được toàn bộ địa bàn.

Chủ động phòng tránh, “không để nước đến cổ mới nhảy”

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa của công tác liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, điều mà nhà nước coi trọng nhất, điều cả hệ thống nhất định phải bảo vệ. Tuy nhiên, thời tiết hiện diễn biến ngày càng dị thường, với mức độ cực đoan lớn. “Thường mùa Đông mới lạnh thế mà giờ tháng 4, tháng 5 vẫn lạnh”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, những diễn biến bất thường của thời tiết có hệ quả của việc khai thác quá mức tài nguyên, từ rừng đầu nguồn và các dòng sông lớn. Mỗi năm thiên tai làm thiệt hại hơn 1% GDP. Vì thế để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Thủ tướng lưu ý cần chủ động xây dựng chương trình kế hoạch đề án theo chỉ thị của Ban Bí thư về phòng chống thiên tai. Tinh thần không được để tình trạng chủ quan ở bất cứ khâu nào, cấp nào. An toàn là nguyên tắc hàng đầu.  Bên cạnh đó, rà soát hoàn thiện phương án phòng chống thiên và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu xử lý vấn đề quy hoạch đồng bộ, nhất là những khu đô thị, điểm dân cư nông thôn… “Đừng để nước đến chân hay đến cổ mới nhảy thì không kịp đâu”, Thủ tướng lưu ý.