'Phố vẫy' Hà thành đã bớt vẫy?
> 'Thiên đường sung sướng' trên bãi biển qua lời kể blogger
Hai chuyến “tham quan” bất ngờ ở tuyến phố Phan Đăng Lưu, thuộc thị trấn Yên Viên và xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chúng tôi ghi nhận chuyển biến tích cực: gần như không còn những bóng người đứng lấp ló bên đường, trong các quán cà phê, vẫy khách.
Phố Phan Đăng Lưu lâu nay bị gọi là “phố vẫy”, bởi tình trạng nhân viên nữ của các quán cà phê hai bên đường ăn mặc mát mẻ, ra sức vẫy khách gần như 24/24h. Hoạt động kích dục, thậm chí mại dâm tại quán đã bị công an cơ sở bắt quả tang. Nhiều biện pháp tuyên truyền, kiểm tra đối với chủ quán và nhân viên đã được thực hiện, song hiệu quả không như mong muốn, chưa triệt để và thiếu tính dài hơi.
“Từ đầu tháng 10 đến nay, BCH CAH đã chỉ đạo Đồn Công an Bắc Đuống cùng Công an thị trấn Yên Viên, phối hợp với các đội CSHS, CSQLHC về TTXH tập trung giải quyết biểu hiện kinh doanh, mời chào không lành mạnh trên phố Phan Đăng Lưu, và tình hình đã cải thiện đáng kể”, Đại tá Đặng Văn Vượng - Trưởng CAH Gia Lâm thông tin. Chọn ngày cuối tuần, chúng tôi đã thực hiện hai “tua” trên tuyến đường này. “Tua” đầu tiên bằng xe máy, trong vai những vị khách tìm chỗ uống cà phê. “Tua” thứ hai lúc chập choạng tối, cùng tổ công tác Đồn Công an Bắc Đuống. Kết quả thực tế ghi nhận chuyển biến “bất ngờ” ở phố Phan Đăng Lưu: gần như không còn tình trạng mấy cô váy ngắn, áo cộc đứng vẫy. “Trong hơn 1 tháng nay, số cửa hàng cà phê trá hình giảm hơn nửa. Nhiều cá nhân đã làm thủ tục thanh lý hợp đồng thuê nhà, nghỉ kinh doanh”, Trung tá Hoàng Xuân Trường - Trưởng đồn Công an Bắc Đuống cho biết.
Đâu là khâu đột phá tạo nên chuyển biến bước đầu ở phố Phan Đăng Lưu? Câu hỏi chúng tôi đặt ra với chỉ huy CAH Gia Lâm; và nhận được sự đáp án: vấn đề mấu chốt là xác định được và giao cụ thể trách nhiệm đối với lực lượng giải quyết hiện tượng “vẫy”. Nhiều năm qua, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh, tạm trú tạm vắng, cũng như lượt công tác tuyên truyền đối với các hộ kinh doanh ở phố Phan Đăng Lưu luôn đạt cao. Nhưng công bằng nhận xét, có thời điểm, chính quyền cơ sở còn lúng túng, thiếu quyết liệt trong xử lý, kiểm tra. Có những trường hợp vi phạm nhưng biện pháp xử lý chưa thực sự quyết liệt; vẫn còn tình trạng đùn đẩy giữa các địa bàn, lực lượng. Thiếu chế tài đã từng là một trong những cái khó khách quan đối với cấp cơ sở trong công tác giải quyết “phố vẫy”.
Chuyển biến bước đầu ở phố Phan Đăng Lưu có được, đầu tiên từ sự khắc phục những tồn tại nêu trên. Song song với công tác kiểm soát hành chính, tạm trú tạm vắng, chỉ huy CAH Gia Lâm giao nhiệm vụ cho đội CSHS, đội Điều tra tổng hợp, tổ chức trinh sát, lập án “đánh” những điểm kinh doanh cà phê trá hình hoạt động mại dâm, kích dục. Hoạt động tuần tra kiểm soát công khai, cắm chốt hàng ngày được giao cho Đồn Công an Bắc Đuống. Công an thị trấn Yên Viên chịu trách nhiệm phối hợp với Công an xã Yên Viên tuyên truyền, giáo dục từng hộ kinh doanh chấp hành quy định pháp luật, đồng thời siết chặt công tác đăng ký tạm trú. Nhân viên người ngoại tỉnh phục vụ tại quán đều được xác minh lý lịch hai chiều. Trường hợp bắt quả tang vi phạm bị phạt hành chính sẽ bị gửi thông báo về địa phương để đề nghị phối hợp giáo dục. Mức phạt hành chính lên đến 17 triệu đồng đã được áp dụng đối với lỗi vi phạm có hệ thống, như không có đăng ký kinh doanh, nhân viên phục vụ không có hợp đồng lao động hay để nhân viên có hành vi kích dục cho khách…
Còn sớm để khẳng định phố Phan Đăng Lưu đã bớt hiện tượng kinh doanh thiếu lành mạnh; nhưng chuyển biến là điều trông thấy rõ. Chủ trương trả lại sự văn minh, lành mạnh cho tuyến đường cửa ngõ huyện Gia Lâm này chỉ có thể đạt hiệu quả hơn, dài hơi hơn, nếu có sự vào cuộc tích cực, rõ nét hơn nữa của đoàn thể, chính quyền và người dân thị trấn Yên Viên, xã Yên Viên, trong thời gian tới.
Theo Hoàng Quân
Anninhthudo