Ngày 21/8, tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới của Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương đề nghị nên lùi thời gian thực hiện Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông để có thêm thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, tinh thần là phải khẩn trương, bởi có như thế giáo dục mới đổi mới được.
Tại điểm cầu Nam Định, ông Trần Lê Đoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tâm lý xã hội khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. “Đề nghị Bộ GD&ĐT công bố điều kiện tối thiểu cho các địa phương chuẩn bị. Nếu điều kiện thực hiện khó khăn thì nên lùi thời điểm thực hiện. Bởi như đánh giá, chất lượng giáo dục phổ thông hiện tại có thể chấp nhận, chưa phải vấn đề quá cấp bách” – ông Đoài nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với đại diện tỉnh Nam Định, bà Nguyễn Thị Kim Chi, giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, với lộ trình thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới, ở cấp địa phương có nhiều khó khăn, nhất là điều kiện thực hiện (giáo viên và cơ sở vật chất), nên mong Bộ GD&ĐT giãn tiến độ, có thể lùi thời gian thực hiện.
Ông Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế nhận định, nhân lực, cơ cấu môn học, phân bố kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ĐT tính toán kỹ. Tâm thế giáo viên đã sẵn sàng, nhưng người đứng đầu ngành giáo dục Thừa Thiên - Huế vẫn đề nghị Chính phủ lùi thời gian triển khai chương trình mới một năm. “Đây là khoảng thời gian vật chất để các địa phương chuẩn bị triển khai bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất. Huế có 17.000 giáo viên nhưng phải để giáo viên thấm, hiểu những nội dung cần đổi mới. Ngoài ra, địa phương cũng có thời gian đầu tư cơ sở vật chất, nâng tỷ lệ trường học 2 buổi/ngày”- ông Hùng cho hay.
Còn bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho biết Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của địa phương. Điều quan trọng là khi thực hiện điều kiện phải đồng bộ. Nhu cầu tài chính của địa phương khi thực hiện đổi mới quá lớn, 1 năm chưa chắc đã giải quyết kịp. Tuy nhiên, bà Giang cũng khẳng định Chương trình tổng thể chỉ là phần khung cứng, có thể năm học mới làm dần từng phần, từng nội dung, trong quá trình làm điều chỉnh dần. Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần phải ban hành điều kiện cụ thể, phù hợp với từng vùng miền đặc thù khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
GS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ Quốc hội cũng đề nghị, với chương trình tổng thể không thể gấp gáp, vì chương trình là làm cho học sinh, với nhiều vùng miền khác nhau, cố gắng đáp ứng được yêu cầu của xã hội, trong khi đó giáo dục còn nhiều khó khăn. Vì vậy, tránh thay đổi nhiều, gây biến động trong xã hội.
Nói về chương trình giáo dục phổ thông mới, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, chương trình triển khai chậm, chậm thấm xuống bên dưới, chậm thành lập dự án. Do đó, Phó thủ tướng đề nghị các Sở GD&ĐT phải rà soát lại tất cả các điều kiện thực hiện để có bước chuẩn bị cho thật tốt.
“Đổi mới chương trình sách giáo khoa chúng ta làm một lần nhưng áp dụng trong nhiều năm. Các địa phương không thể nói là không có trường, không có lớp để lùi thời gian thực hiện chương trình phổ thông mới. Do đó, tinh thần là phải khẩn trương. Chuyển tinh thần đổi mới đó xuống tất cả đội ngũ giáo viên. Có như thế, giáo dục mới đổi mới được” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Năm tới, cần xem xét lại bài thi tổ hợp
Một nội dung khác được tập trung thảo luận tại Hội nghị, đó là kỳ thi THPT quốc gia. Đại diện các Sở GD&ĐT đều đề nghị Bộ GD&ĐT nên tiếp tục ổn định phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tiếp theo, chỉ điều chỉnh về kỹ thuật, tránh thay đổi lớn gây khó khăn cho học sinh. Các điều chỉnh cũng cần được công bố sớm ngay từ đầu năm học mới để thí sinh cũng như ngành giáo dục địa phương có thời gian chuẩn bị.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định đề nghị Bộ GD&ĐT cần xem xét giảm bớt điểm ưu tiên khu vực để tạo công bằng cho thí sinh trong xét tuyển ĐH.
Về phía các trường ĐH, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia nên tiếp tục được giữ ổn định. Nhưng cần sửa những bất cập như bài tổ hợp thay vì 3 môn/3 bài thì chỉ còn 1 bài là đủ.
Phát biểu tại hội nghị, GS Phan Thanh Bình cho rằng, thi phổ thông là để công nhận học sinh tốt nghiệp sau 12 năm học. Còn tuyển sinh là chuyện của các trường ĐH, tùy theo yêu cầu của từng trường mà có cách tuyển phù hợp. Lấy thi phổ thông để áp dụng tuyển sinh ĐH là rất khó.
“Thi phổ thông là dành cho đa số nên chuyện các em thi phổ thông đạt 28 điểm, cộng điểm ưu tiên lên trên 30 điểm là bình thường. Còn thi ĐH là tuyển những em có năng lực nhất định vào ngành nghề cần đào tạo” - GS Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Kết luận hội nghị, một trong 9 đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với ngành giáo dục đó là thi THPT quốc gia cần tập trung khâu ra đề tốt hơn.
Theo Phó thủ tướng, tuyển sinh là tự chủ của các trường ĐH. Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT đủ trung thực để cung cấp dữ liệu tin cậy cho các trường tham khảo tuyển sinh. Với tinh thần vì học sinh, Phó thủ tướng cho rằng có nhất thiết phải chia nhỏ hai bài thi tổ hợp không? Mục đích của việc chia nhỏ này là đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của các trường ĐH. Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu cần xem xét lại bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia tới.
“Đổi mới chương trình sách giáo khoa chúng ta làm một lần nhưng áp dụng trong nhiều năm. Các địa phương không thể nói là không có trường, không có lớp để lùi thời gian thực hiện chương trình phổ thông mới. Do đó, tinh thần là phải khẩn trương. Chuyển tinh thần đổi mới đó xuống tất cả đội ngũ giáo viên. Có như thế, giáo dục mới đổi mới được”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam