Sáng 13/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc đối thoại giữa đại diện các doanh nghiệp thủy sản (VASEP) về những vướng mắc liên quan đến quản lý của các Bộ: Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường..
Nộp hồ sơ, chờ 15 ngày... rồi làm lại
Trước ý kiến của đại diện VASEP, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đề nghị bỏ toàn bộ quy định về công bố phù hợp với quy định về ATTP theo Nghị định 38, căn cứ Luật ATTP là hợp lý vì luật chỉ yêu cầu công bố quy chuẩn. Về đề nghị đơn giản hoá hồ sơ đăng ký tiếp nhận và trả lời công bố kết quả theo Nghị định 38, hiện nay, Bộ Y tế đã và đang áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, đã triển khai từ cuối năm 2014 và tất cả đều đăng ký trên môi trường mạng...
Về thủ tục, thời gian làm hồ sơ công bố hợp quy, theo đại diện VASEP, Nghị định 38 quy định trong vòng 15 ngày sẽ cấp giấy thông báo. Tuy nhiên, thực tế đang xảy ra 2 vấn đề. Một là khi doanh nghiệp nộp và chờ 15 ngày, nhưng cận 15 ngày khi lên hỏi thì mới nói là hồ sơ không đạt, làm lại từ đầu, tính lại từ ngày thứ nhất.
Vấn đề thứ hai, khi xem xét Luật ATTP, bản chất là các doanh nghiệp và người dân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình, làm bản tự công bố, gửi cơ quan thẩm quyền. Bộ Y tế chỉ thông báo đã tiếp nhận nhưng hình thức này là cấp giấy chứng nhận công bố, cho nên thực thi ở dưới xảy ra những chuyện kéo dài gây bức xúc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đúng là khi đi khảo sát ở nhiều nơi, có tình trạng nhận hồ sơ nhưng không xem ngay và gần hết ngày thì mới thông báo những điểm không hợp lệ tới doanh nghiệp, người dân để làm lại. Vì vậy, một số ngành đã sửa quy định này như kiểm tra hồ sơ ngay từ đầu, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp, cá nhân nộp hồ sơ nếu thấy có chi tiết chưa phù hợp.
Làm nhanh là... ăn đồ bẩn
Theo Thứ trưởng Cường, luật quy định, trong vòng 15 ngày phải công bố, trả lời cho doanh nghiệp về việc tiếp nhận công bố hợp quy ATTP là hợp lý vì cần phải có thời gian thẩm định, kiểm tra, đối chiếu, so sánh. Trong khu vực thì Singapore, Malaysia áp dụng hậu kiểm nên chỉ tiếp nhận bản công bố của doanh nghiệp. Các nước còn lại đều kết hợp tiền kiểm, hậu kiểm với lý do quy mô sản xuất thực phẩm manh mún. Nếu không thì người dân nhiều khả năng sẽ phải dùng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong giải thích thêm, bản chất cơ quan quản lý không chỉ nhận nộp hồ sơ mà phải căn cứ đối chiếu từng danh mục chỉ tiêu về phụ gia thực phẩm, hàm lượng kim loại nặng, các chỉ tiêu kiểm nghiệm có phù hợp hay không. Nếu bản công bố hợp quy do bên thứ ba đánh giá thì thời gian chỉ tối đa 7 ngày nhưng đa số các doanh nghiệp tự công bố, đánh giá tức là khai như thế nào thì phải cùng các cơ quan xem xét lại bản công bố hợp quy.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với ý kiến của Bộ Y tế là vẫn phải xem xét tuân thủ theo quy định của luật. Tuy nhiên, Bộ Y tế xem xét tới đây trong các hướng dẫn phải rất rõ; đồng thời, nhận hồ sơ phải kiểm ngay, không để tình trạng sát đến ngày mới thông báo cho người làm, không để tình trạng 8, 9, 10 ngày rồi mới nói hồ sơ không đủ.
Đại diện Bộ Y tế khẳng định, dù quy định tối đa là 15 ngày, tuy nhiên, chỉ khoảng 8-9 ngày đã xong. Đại diện VASEP cho rằng, có thể ở cấp T.Ư thì làm rất tốt, nhưng cấp cơ sở thì còn nhiều vấn đề. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phải nghiên cứu phần mềm để các cơ quan bên dưới cùng một nền tảng với bộ, làm thủ tục nhanh hơn, tránh gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân.