Nhà có số, phố có tên
Gần chục năm trước du khách lên huyện Tây Giang không khỏi ngạc nhiên vì những biển chỉ đường đã được ghi bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Cơ Tu. Những tấm biển mọc lên, giúp khách tây, khách ta lên đây không sợ lạc đường rừng. Mô hình này, nay đã nhân rộng qua A Lưới (TT-Huế). Nay lên Tây Giang, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì nhà dân nay đã có số, không khác gì ở phố, thậm chí chuyên nghiệp hơn vì ngoài số còn có tên chủ hộ. Việc này thôi đủ thấy Tây Giang ăn đứt hơn nhiều huyện khác ở đồng bằng trong việc sáng kiến xây dựng nông thôn mới.
Xã A Tiêng là một trong 3 xã của Tây Giang được thí điểm đánh số nhà cho các hộ dân sống tại các khu mặt bằng dân cư đã ổn định sau khi về nơi ở mới. Ðến nay 3/6 thôn của A Tiêng đã được đánh số nhà. Theo kế hoạch năm 2017, toàn bộ 756 hộ toàn xã sẽ có số nhà.
Thôn Tà Vang nằm bên trục đường chính lên trung tâm huyện sạch đẹp với những ngôi nhà ngăn nắp. Tà Vàng là một trong những “ngôi làng Singapore” sạch đẹp của huyện Tây Giang. Trong làng riêng nhà Gươl nơi sinh hoạt chung của làng là không có số, còn lại nhà dân đều gắn số, phía dưới đề tên chủ hộ rất lạ mặt.
Nhà cửa thôn Tà Vàng - ATiêng đã được đánh số nhà.
Hỏi nhà ông Alăng Nheen trưởng thôn Tà Vàng, một người dân hỏi lại khách: “Nhà trưởng thôn số mấy mà không biết à?”. Anh này đọc số, dọc theo đường bê tông quanh nhà Gươl, chúng tôi tìm đến nhà trưởng thôn dễ dàng. Anh Nheen là công an xã A Tiêng, kiêm trưởng thôn Tà Vàng. Hỏi chuyện số nhà, anh Nheen cười: Từ ngày có số thuận lợi vô cùng. Chỉ cần nhớ số, giở sổ là ra ngay. Từ việc lớn đến việc nhỏ, theo dõi quản lý rất dễ.
Anh Nheen kể, việc xây dựng nông thôn mới, làng xã sạch đẹp, đường bê tông được mở rộng, điện thắp sáng ban đêm, nhà được đánh số người dân rất ưng ý. “Dân mình ưng cái bụng lắm. Mình xuống phố, thấy dân làng họ có số nhà. Nay dân làng mình cũng có số, nào thua gì miền xuôi!”, anh Nheen cười nói.
Pơ Loong Dêếc ở số nhà 34 đang cầm smartphone lướt web. Dêếc bảo: hôm nhận số nhà trùng với tuổi của hai vợ chồng nên khoái lắm. Nhưng anh lại thắc mắc: Vì sao tuổi lớn mà số nhà không lớn theo? Cán bộ thôn, xã giải thích kỹ rồi Dêếc mới thông. Dêếc cười gãi đầu: “Có số nhà bạn bè ở xa đến chơi dễ tìm nhà hơn. Lỡ có say xỉn không còn lo đi lộn nhà, không sợ vợ la, mất lòng hàng xóm”.
Già làng Pơloong Clol chỉ tay về tấm biển số nhà mình rồi nói: mình đi qua Ðông Giang, Nam Giang, Phước Sơn… thấy dân làng họ chưa hiện đại giống mình. Làng mình được dời về khu dân cư sạch đẹp, đầy đủ, nay có số nhà quy củ, hiện đại. Ai hỏi mình địa chỉ, mình chỉ cần ghi số nhà, tên thôn không cần ghi nhiều, thư từ, quà cáp cứ thế đều đến tận tay.
Người Cơ Tu thích thú với việc nhà cửa được đánh số. Riêng chính quyền thuận tiện hơn trong việc quản lý.
Ðiện thoại lưu theo số nhà
Thôn A Ching 2, vừa được di dời lên mặt bằng mới sạch đẹp để ổn định cuộc sống mới. Từ trên cao nhìn xuống, giữa mây chiều bao phủ, A Chinh 2 đẹp như tranh vẽ. Về nơi ở mới, cuộc sống người dân không còn lo cảnh sạt lở, lũ quét như xưa. Những ngôi nhà kiểu mới được xây dựng ngăn nắp, bài bản và quy hoạch thành hai dãy, ở giữa là bãi đất lớn làm sân bóng, nơi sinh hoạt cộng đồng. A Chinh 2 như một khu phố thu nhỏ với những ngôi nhà gỗ xinh xắn liền kề.
“Ðánh số nhà cho dân Tây Giang là địa phương đầu tiên dám làm và cho nhiều tiện ích, thuận lợi. Ðừng nói Tây Giang bắt chước, đua đòi phố thị, hãy nhìn vào hiệu quả mà việc Tây Giang đã làm”.
Ông Blúi
Pơloong Hương, trưởng thôn A Ching 2, cho biết: từ ngày có số nhà, mỗi lần có việc làng hay phát quà, anh chỉ cần đọc số nhà là dân làng khắc biết. Người dân hay đặt tên trùng nhau, một thôn có 2–3 người cùng tên nên nhiều khi lộn xộn, nhầm lẫn. Giờ dân làng chỉ cần nhớ số nhà, nghe thông báo cứ thế mà đi họp, nhận quà. Ðiện thoại của vị trưởng thôn này lưu số của dân làng cũng khá hay: Lưu theo số nhà. 58 hộ là 58 con số. Có việc bấm số là ra đỡ mất công tìm.
Anh Lê Văn Huy, nhân viên bưu điện huyện Tây Giang chạy xe máy đến từng thôn ở xã A Tiêng theo số nhà cứ thế mà phát báo, thư từ, giấy mời cho dân làng. Anh Huy kể, trước đây, mỗi lần đi chuyển thư từ khổ nhất là đi tìm nhà, bởi tên người dân địa phương phiên âm đã khó, hỏi ra nhà càng khó hơn. Hỏi một đường, dân làng chỉ một nẻo, chạy vòng tốn xăng. Lắm hôm phát nhầm, thất lạc giấy tờ, anh phải mất công đi tìm lại để trao đúng người. Nay chỉ cần nhìn vào số nhà, cứ thế anh phóng xe đến tận nơi trao thư, công việc nhẹ nhàng hẳn.
Số nhà giữa núi rừng, hình ảnh lạ, ngộ nghĩnh giữa núi rừng Trường Sơn.
Ông Bríu Quân, Bí thư xã ATiêng, cho biết: việc đánh số nhà mang lại rất nhiều tiện ích trong việc quản lý hành chính. Cán bộ các bộ phận chỉ cần rà soát một lần, rồi đưa thông tin hộ gia đình vào sổ. Người dân đến ủy ban làm việc, chỉ cần đọc số nhà, cán bố xã giở sổ ra là có hết từ tên chủ hộ đến tên tuổi từng thành viên, cũng như ngày tháng năm sinh. Chẳng may dân lỡ quên giấy tờ, không mang đủ giấy tờ, dân cũng đỡ công chạy về nhà lấy. Có việc cần, cán bộ xã cũng khỏi mất công, tốn thời gian chạy về thôn để nắm. Riêng việc quản lý về nhân khẩu, gia tăng dân số, biến đổi số hộ nhờ việc này mà dễ dàng và thuận tiện vô cùng.
Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang là người đưa ra sáng kiến về việc thí điểm đánh số nhà. Ông Blúi kể, năm 2013, trong một lần đi họp ở Hà Nội về, ngồi trên ô tô cùng Bí thư huyện Bríu Liếc, ông đưa ra ý kiến về việc đánh số nhà dân như ở phố để giúp việc quản lý, sắp xếp dân cư dễ dàng. Ý kiến đưa ra, được Bí thư huyện đồng tình, sau đó, huyện ủy có hẳn nghị quyết việc này. Ba xã gồm ATiêng, Lăng và Dang được thí điểm thực hiện. Chủ trương đưa ra, người dân và chính quyền xã rất đồng tình. Ðến nay, tất cả các thôn có mặt bằng ổn định của 3 xã này đã được đánh số. Toàn bộ kinh phí làm biển gắn số nhà được huyện trích ngân sách hỗ trợ cho người dân. Mô hình này sẽ được nhân rộng ra toàn huyện. Cùng với việc đánh số nhà, sắp tới huyện sẽ phối hợp với công an, tư pháp, địa chính đưa số nhà vào trong sổ đỏ, sổ quản lý, nhập số liệu lên phần mềm máy tính. Cán bộ chỉ cần gõ số là có đủ thông tin người dân, giúp cải cách hành chính thiết thực.
Vì Tây Giang chưa được lên thị trấn, nên chưa được đặt tên đường theo quy định, chính quyền sáng kiến mỗi số nhà sẽ kèm theo tên chính chủ hộ phía dưới. Tuy nhiên, theo tập tục địa phương tên người lớn tuổi hoặc chủ hộ qua đời sẽ không được gọi nên huyện đang nghiên cứu lại để sắp tới có điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa tín ngưỡng của người dân.