Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM: “Làm việc ở nhà khó quản lý"

TPO - Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lê Hoài Trung, mô hình cho phép cán bộ công chức làm việc ở nhà một số ngày trong tuần đã được nhiều nước phát triển áp dụng song điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay chưa phù hợp.
Ông Lê Hoài Trung

Chiều 15/11, trao đổi với Tiền Phong xung quanh đề xuất của Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) về thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà, không phải đến cơ quan, ông Lê Hoài Trung, phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết Nhật, Úc, Singapore và nhiều quốc gia tiên tiến khác đã áp dụng từ rất lâu.

Cụ thể: Các quốc gia nói trên cho nhân viên làm việc ở nhà một số ngày trong tuần và quản lý nhân viên, công việc qua các ứng dụng IT rất hiệu quả.

Tại Sở Nội vụ TPHCM cũng từng có đề xuất (sáng kiến, kinh nghiệm) thí điểm cho cán bộ công chức viên chức làm việc ở nhà một số ngày trong tuần tại một số phòng chức năng nhưng sau đó thực hiện không được.

“Người ta quản lý nhân viên bằng sản phẩm, bằng nguyên tắc định lượng, hiệu quả bằng tiền, bằng giờ, bằng hiệu quả phục vụ dân. Hiệu quả đó phải định lượng, còn mình chưa có. Cho cán bộ công chức viên chức làm việc ở nhà, ai quản lý và quản lý như thế nào. Mấy ổng suốt ngày đi nhậu, sản phẩm không có”, ông Trung nói.

Cán bộ công chức UBND phường 7, quận Phú Nhuận giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Vị lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM cho rằng để thực hiện giải pháp cho phép cán bộ công chức viên chức làm việc tại nhà một số ngày trong tuần thì phải có sản phẩm. Cụ thể: Lãnh đạo đơn vị giao việc cho trưởng phòng, trưởng phòng giao lại cho các nhân viên.

“Nếu cán bộ đi cơ sở, trong ngày anh phải nộp sản phẩm. Nếu làm việc ở nhà thì phải trình đề tài, đề án… Thực hiện được việc đó mình mới quản lý được. Còn sản phẩm của mình bây giờ là giấy, là bao nhiêu hồ sơ, quyết định, văn bản,… nếu ở nhà thì làm sao giải quyết?”, ông Trung băn khoăn.

Ông Lê Hoài Trung kể vừa làm việc với một chuyên gia trung tâm đào tạo từ xa (online) của Pháp có hàng chục triệu học viên học online. Các học viên chỉ ngồi học online 15 phút là đủ, quá thời gian đó là chịu không nổi.

“Học qua online, người ta có thể đánh giá sức học và chất lượng của từng học viên, đánh giá được và cấp bằng tốt nghiệp được. Bên mình học online thì có học được đâu. Vì vậy, để áp dụng, mình còn rất nhiều việc phải làm. Áp dụng đề xuất ấy vào thực tiễn của mình là cả một vấn đề”, ông Trung nhận xét.

Đề xuất từng gây nhiều tranh cãi

Nhiều năm trước ở TPHCM đã từng có một số chuyên gia đề xuất cho cán bộ công chức một số bộ phận, vị trí, công việc không liên quan đến tiếp công dân, giải quyết công việc trực tiếp với công dân, tổ chức được làm việc ở nhà 1-2 ngày/tuần.

Các chuyên gia cho rằng cán bộ công chức làm việc ở nhà sẽ giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tiết kiệm chi phí hành chính, trang thiết bị như điện, nước, điện thoại, giấy tờ và có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, trông coi nhà cửa,…

Tuy nhiên, bên cạnh một số ý kiến đồng tình, rất nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất này, cho rằng cán bộ công chức tuy nhiều nhưng không phải là nguyên nhân chính gây kẹt xe và cho dù có được làm việc ở nhà, họ vẫn sử dụng phương tiện đưa đón con đi học, thậm chí đi … nhậu.

Mặt khác, dù các cơ quan có bớt người đến làm việc thì đèn vẫn phải mở, máy lạnh vẫn phải chạy. Lý do trong coi nhà cửa càng bất hợp lý hơn vì ngân sách nhà nước không thể trả tiền cho cán bộ ở nhà trông coi nhà cửa, bảo quản tài sản riêng.

Tại buổi thảo luận tổ ngày 14/11, Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề xuất thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà, không phải đến cơ quan, mỗi tuần chỉ cần đến cơ quan 1 - 2 lần.

“Nhiều lĩnh vực cán bộ, công, viên chức Nhà nước có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần. Khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà. Trong khi đó, người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước …”, ông Hiểu nói.