Phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ Hồ Gươm dịp 30/4 - 1/5 có gì mới?

TPO - Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, phố cổ Hà Nội và phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm sẽ rộn ràng hơn bao giờ hết nhờ chuỗi hoạt động trải nghiệm lịch sử - văn hóa đặc sắc, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Triển lãm ảnh chủ đề “Việt Nam – Một dải yêu thương”

Bộ ảnh “Việt Nam - Một dải yêu thương” được trưng bày 52 bức ảnh tiêu biểu về khung cảnh đất nước và con người từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, từ núi rừng Tây Bắc – Tây Nguyên hùng vĩ tới quần đảo Trường Sa ở giữa Biển Đông. Nhiều bức ảnh đặc sắc trong số này lần đầu ra mắt công chúng.

Quang cảnh dọc khu phố đi bộ sau khi trưng bày triển lãm ảnh “Việt Nam – Một dải yêu thương”

Người dân hứng thú với những nét đẹp văn hóa nhiều vùng miền tại triển lãm

Chị Lan Anh, 30 tuổi (Hà Nội) cho biết: “Mình cho con lên đây chơi, qua đây mới thấy có rất nhiều ảnh về các nơi. Có những nơi mình đã từng đi qua, mình nhận ra và thấy rất đẹp. Bé nhà mình thì lại hứng thú và lắng nghe nên mình cũng rất hào hứng chia sẻ với con về các địa danh này.”

Chị Lan Anh đang cùng con chiêm ngưỡng những tác phẩm ấn tượng

Trưng bày 100 bức tranh cổ động và hiện vật thời bao cấp

Không khí chào đón kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm – Số 2 phố Lê Thái Tổ

Bằng tài năng, tâm huyết, nhiệt tình cách mạng và sự rung cảm nghệ thuật sâu sắc, các hoạ sĩ sáng tác tranh cổ động giai đoạn 1970 - 1995 đã có đóng góp to lớn trong việc động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Bên cạnh đó, một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh được bố trí theo phương pháp sắp đặt, không gian trưng bày tại đây sẽ gợi nhắc người xem về một thời kì khó khăn nhưng đáng nhớ, đáng trân trọng

Không gian triển lãm tranh và hiện vật thời bao cấp

Triển lãm các làng nghề, phố nghề và ký ức lịch sử

Triển lãm “Đào Xá - Giữ hồn thanh âm Việt” tại Đình Kim Ngân – Số 42, 44 phố Hàng Bạc

Từ giữa thế kỷ XIX, những người thợ tài hoa của làng Đào Xá đã mang theo cả gia đình, họ hàng lên thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) để lập phường nghề trên con Phố Hàng Đàn xưa. Bằng sự cần cù và tài năng khéo léo, những thợ làm đàn ở Đào Xá đã làm ra những sản phẩm nhạc cụ tinh xảo, cung cấp cho các gánh hát chốn kinh kỳ và góp phần làm cho các phường nghề, phố nghề thủ công thêm sầm uất.

Đàn Tỳ Bà tại triển lãm

Đàn Nguyệt tại triển lãm

Ngoài ra, nhằm mang đến các sản phẩm du lịch và thương mại du lịch giữa tỉnh Phú Yên và thành phố Hà Nội, tại Đền Quan Đế – Số 28 phố Hàng Buồm, P. Hàng Buồm triển khai xây dựng giới thiệu nghề đan lát truyền thống Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) – một nét đẹp di sản, một điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên.

Khuôn viên giới thiệu nghề đan lát truyền thống Vinh Ba

Cối xay lúa thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ và các sản phẩm từ làng nghề

Tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50, Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm) diễn ra triển lãm ảnh tư liệu chủ đề “Nhạc công và Âm nhạc cổ truyền Việt Nam”, giới thiệu 60 bức ảnh chụp tại Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX (khoảng những năm 1870-1899), được sưu tầm và phục chế kỹ thuật số từ nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước.

Tranh ảnh tư liệu chủ đề “Nhạc công và Âm nhạc cổ truyền Việt Nam”

Các bạn sinh viên đang trao đổi về chủ đề triển lãm

Bạn Linh và bạn Tân (22 tuổi, sinh viên khoa Ngôn ngữ và văn hóa Quốc tế, Đại học Văn hóa Hà Nội) sau khi tham quan đã nêu cảm nghĩ rằng: “Em thấy khu trưng bày đã khá đầy đủ, tuy nhiên nếu có thêm các hiện vật cụ thể thì sẽ cảm thấy trực quan hơn.”

“Mình đang tìm hiểu về văn hóa nên các hình ảnh về Tuồng, Chèo, hội quán, hội đàn,... khiến mình nảy ra ý định tìm hiểu về âm nhạc nhiều hơn. Các chuyên đề cũng rất đa dạng và rõ ràng”.