Trung Quốc:

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn bị tố nhận hối lộ chạy giải thưởng

TPO - Theo trang web của Đài phát thanh trung ương Trung Quốc tối 2/7, nhà văn Trương Nỗ đã viết bài “Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Cao Hồng Ba bị tố cáo, còn có bao nhiêu giải thưởng văn học được đổi bằng quà?” đăng trên trang weibo cá nhân.
Nhà thơ Diêm An

Theo Trương Nỗ, nhà thơ Diêm An, Phó chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Thiểm Tây đã hối lộ ông Cao Hồng Ba, Chủ nhiệm hội đồng bình xét giải “một món cổ vật cấp 1 quốc gia” để đổi lấy Giải thưởng văn học Lỗ Tấn năm 2014.

Trương Nỗ đăng kèm bài viết bức ảnh chụp bức “thoái lễ tín” (thư trả lại quà) viết tay, nội dung như sau: “Diêm An thi hữu! Chúc mừng đã có thực danh, cuối cùng (ông) cũng đã được giải thưởng. Món đồ ấy ông nói khá quý giá, (tôi) khi đó chỉ miễn cưỡng nhận, chỉ để ông yên tâm. Nay xin trả lại nguyên vẹn, vì tôi không xứng với vật phẩm loại ấy, tốt nhất ông nên giữ, hoặc giao lại cho vị thân thích đã sưu tập nó. Như thế tôi tâm mới bình an, rất mong (ông) nhận lại. Tôi không làm cao, mà rất chân tình! Nếu không sẽ tổn thương tình cảm. Chúc an lành! Hồng Ba”.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Cao Hồng Ba
Trương Nỗ cho biết, ông nhận được bức thư và thông tin về việc Phó chủ tịch Cao Hồng Ba nhận hối lộ từ một nhà văn Thiểm Tây. Ông thấy chuyện này có thể đúng vì nạn tham nhũng hủ bại trong giới văn hóa Trung Quốc đang rất nghiêm trọng, chính ông cũng đã viết nhiều về vấn đề này. Bức thư của người tố cáo nói rõ: Tháng 7/2013, vì muốn giành được giải thưởng Lỗ Tấn, Diêm An và người em trai đã mang một món đồ cổ quý hiếm cấp 1 quốc gia lên Hội nhà văn hối lộ ông Cao Hồng Ba. Sau vài lời từ chối, Cao Hồng Ba đã nhận rồi sử dụng vai trò là Chủ nhiệm Ủy ban giải thưởng Lỗ Tấn để ngầm tác động giúp Diêm An đoạt giải.

Ngày 3/7, khi các nhà báo liên hệ thì cả 2 máy điện thoại di động của ông Diêm An đều tắt. Phóng viên Đài PTTW đã liên lạc qua điện thoại được với ông Cao Hồng Ba, ông thừa nhận bức “thoái lễ tín” đó là do ông viết, nhưng không nói rõ chuyện mình có nhận quà biếu hay không? Món đồ đó là gì? Ông cho biết sẽ có văn bản trình bày rõ việc này sau, “đó chỉ là bức thư trả lại quà, có gì đâu!”.

Giải thưởng văn học Lỗ Tấn là một trong bốn giải thưởng danh giá của văn học Trung Quốc cùng với các giải thưởng văn học Lão Xá, Mao Thuẫn và giải Tào Ngu về kịch bản văn học. Giải thưởng Lỗ Tấn lần thứ 6 năm 2014 sau khi công bố đã rộ lên các tin đồn, tranh cãi về “chạy giải”, về chuyện tập thơ “Tương tiến trà – tuyển thơ của Chu Tiếu Thiên” đoạt giải không xứng đáng, rồi đến chuyện nhà văn A Lai trượt giải mà không được phiếu nào…

Chính vì vậy, bức thư phơi bày chuyện hội đồng bình xét giải nhận hối lộ, khiến người ta càng thêm nghi ngờ về sự công bằng của giải Lỗ Tấn. Giải Lỗ Tấn được trao riêng cho 7 thể loại, gồm: tiểu thuyết dài, truyện ngắn, báo cáo văn học, thư ca, tản văn, lý luận văn học, dịch văn học. Giành được giải Lỗ Tấn là ước mơ của nhiều nhà văn Trung Quốc. Ông Diêm An được trao giải Lỗ Tấn lần 6 về thơ ca cho tập thơ “Chỉnh lý hòn đá” với số phiếu cao nhất. Hội nhà văn tỉnh Thiểm Tây có 1 chủ tịch, 14 phó chủ tịch.

Việc xuất hiện bức thư tay của ông Cao Hồng Ba gây xôn xao dư luận về việc vì sao nó lại lộ lọt ra ngoài và rốt cục lễ vật quý giá kia là gì, làm thế nào Diêm An có được và thực chất của việc ông Hồng Ba trả lại quà là sao. Dư luận đang chờ đợi cơ quan có trách nhiệm làm rõ.