Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nói về quy trình bầu trực tiếp bí thư tại Đại hội

TPO - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội cho rằng: Qua thực tế chỉ đạo cho thấy việc bầu bí thư trực tiếp tại Đại hội vẫn phải thực hiện quy trình 3 bước và điều này vẫn có sự hình thức. Từ đó, kiến nghị đã bầu trực tiếp tại Đại hội rồi thì nên tinh gọn lại mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sáng 1/7. Ảnh: KTĐT

Sáng 1/7, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức 6 tháng đầu năm do Ban Tổ chức T.Ư tổ chức, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, Hà Nội cũng triển khai nhiệm vụ trong điều kiện vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Mặc dù triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh đặc thù (chống dịch Covid-19; triển khai nhiệm vụ kép về phát triển kinh tế) nhưng tất cả cơ quan từ T.Ư đến địa phương đều có đổi mới về phương thức hoạt động, trong đó có hoạt động ngành tổ chức xây dựng Đảng. Ngoài ra, mặc dù bối cảnh khó khăn nhưng cả nước đều hoàn thành đầy đủ nội dung, chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội cấp chi bộ, cấp trên cơ sở theo đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị.   

Nổi bật là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, đến nay, trên địa bàn thành phố có 2.309/2.310 tổ chức cơ sở Đảng (99,96%) đã tổ chức thành công đại hội, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đối với các đảng bộ cấp trên cơ sở, đến nay, 6/50 đảng bộ tổ chức thành công đại hội, trong đó có 3/6 đại hội điểm và 4/6 đại hội bầu trực tiếp bí thư, với kết quả trúng cử trên 99%, cho thấy chủ trương đúng của việc đại hội bầu trực tiếp bí thư, thông qua đó phát huy dân chủ trong Đảng và khẳng định được uy tín, tính tiền phong của cán bộ.

Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm, Đại hội được Thành ủy Hà Nội chọn làm điểm tổ chức đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở. Bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội.

Qua thành công Đại hội điểm cấp trên cơ sở và Đại hội cấp cơ sở, Hà Nội đã rút ra được một số kinh nghiệm bước đầu như: Việc triển khai Chỉ thị 35 đã được Ban Thường vụ tổ chức nghiêm túc, bài bản, khoa học, sáng tạo. Gắn triển khai Chỉ thị 35 với thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 và qua đó giảm chi ngân sách gần 250 tỷ đồng/năm. Trong 6 đơn vị tiến hành Đại hội cấp trên cơ sở, có 4 đơn vị bầu bí thư trực tiếp tại Đại hội và tỷ lệ bầu đạt cao. Điều này thể hiện việc phát huy dân chủ trong Đảng và khẳng định uy tín, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ.

Đối với công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội cho biết, đến nay cả 3 nội dung (Văn kiện Đại hội, công tác chuẩn bị nhân sự, công tác phục vụ) đều đảm bảo chất lượng, tiến độ. Đối với Văn kiện Đại hội, đã thông qua Dự thảo lần 3 sau 7 lần tổ chức hội nghị lấy ý kiến. Tiến hành tổng kết và thông qua phương án công tác nhân sự. Thời gian tới, Hà Nội tập trung chỉ đạo thành công Đại hội tại 44 đơn vị còn lại và dự kiến tháng 10/2020 sẽ tổ chức Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP để góp phần vào thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội nêu kiến nghị, qua thực tế chỉ đạo cho thấy việc bầu bí thư trực tiếp tại Đại hội vẫn phải thực hiện quy trình 3 bước và điều này  vẫn có sự hình thức. Bởi, Đại hội đã thực hiện bầu trực tiếp nhưng vẫn phải lấy phiếu tín nhiệm, Ban Chấp hành giới thiệu và thực hiện bầu sẽ gây mất thời gian. Từ đó, kiến nghị đã bầu trực tiếp tại Đại hội rồi thì nên tinh gọn lại mà vẫn đảm bảo chất lượng.