Dù còn bốn tháng nữa mới ra rạp, nhưng bộ phim của đạo diễn Xavier Durringer hứa hẹn gây tranh cãi, ngay từ lúc này trở thành đề tài nóng của nhiều tờ báo lớn ở Pháp. Bởi lẽ trong lịch sử điện ảnh Pháp, chưa bao giờ có một bộ phim về vị tổng thống đương nhiệm.
Chinh phục điểm lại quá trình nắm quyền lực của người đứng đầu Chính phủ Pháp từ Bộ trưởng Nội vụ năm 2002 cho đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2007. Vai Nicolas Sarkozy do Denis Podalydès thủ diễn.
Không riêng ông Sarkozy, nhiều nhân vật chính trường Pháp cũng xuất hiện: Dominique de Villepin, Jacques Chirac, Rachida Dati hay vợ cũ của ông Sarkozy- Cécilia Sarkozy. Nhưng không có bóng dáng đối thủ Ségolène Royal. Đệ nhất phu nhân Carla Bruni chưa có đất xuất hiện, có lẽ ở phần sau nếu còn thêm phần nữa.
Nhà sản xuất nói: “Không chỉ làm phim riêng về Sarkozy, phim còn tập trung vào xã hội nơi các đảng đối lập không ngừng cạnh tranh”.
Giới phê bình Pháp cho rằng Chinh phục là “bộ phim có nguồn gốc rõ ràng, dựa nhiều vào tài liệu và rất xác đáng”. Kịch bản của nhà sử học, biên kịch Patrick Rotman và sự cộng tác của nhà báo Michael Darmon người từng đi theo ông Sarkozy năm 2003.
Các nhà làm phim còn cậy nhờ con mắt tinh nhanh của cố vấn pháp luật, xem xét tỉ mỉ từng cuốn sổ lưu trữ báo chí, nên phim dù hư cấu nhưng dựa trên nhiều dữ kiện thật.
Hiện Chinh phục được giữ gìn trong vòng bảo mật nhất có thể cho tới khi ra rạp. Không có trailer, không đoạn video nào được tung lên mạng, mới chỉ có khoảng 10 bức ảnh được đăng tải trên các tạp chí Gala và Paris Match.
Chỉ có nhà sản xuất Altamayer, các đối tác làm phim và người đứng đầu kênh Canal+ và kỹ thuật viên được xem trước. Ngay diễn viên cũng chưa có quyền xem lại thành quả của mình. Nhưng hai phút đầu của phim lại được chiếu tại Hội nghị của Liên đoàn quốc gia điện ảnh Pháp, bước đầu được tán thưởng.
Phim ra mắt vài tháng trước cuộc vận động tranh cử tổng thống 2012, đạo diễn cho rằng ông không hề lo ngại phim ảnh hưởng đến chính trị. “Đây là một phim cố gắng để hiểu một con người, vẽ lại cuộc bầu cử, không phải phim về một tượng đài”.
Ban đầu các nhà làm phim định làm bộ phim hư cấu hoàn toàn về ngày bầu cử của ông Sarkozy. Nhân vật chính cáu kỉnh nhìn đồng hồ liên tục và ngồi vào vô lăng lái xe đến sân bay và chết vì tai nạn. Phần còn lại của phim về tình hình nước Pháp hơn một tháng tiếp theo. Tuy nhiên nhà biên kịch khuyên đạo diễn bỏ ý định đó và đưa nhiều yếu tố tư liệu vào phim.
Hương Liên
Theo Observateur, Express