Phiến quân IS chuẩn bị tấn công nước Mỹ?

Cả Giám đốc FBI James Corney và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đều cảnh báo về những ảnh hưởng đến từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bởi quy mô tuyên truyền của IS vượt xa nỗ lực đối phó của Mỹ và các nước phương Tây.
4 nhân vật IS vừa đưa vào danh sách "tìm và diệt".

Ông James Corney cho rằng, mỗi ngày có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người Mỹ đọc thông điệp tuyển mộ của IS trên internet, đồng thời cảnh báo việc IS đang khuyến khích những kẻ cực đoan tại Mỹ tấn công các binh sĩ và cảnh sát nước này.

Tuy ông Ahston Carter khẳng định, vụ tấn công ở bang Texas không phải do IS tiến hành, nhưng tình báo Mỹ vẫn rất thận trọng trước mối đe dọa của IS. Bởi giới chuyên gia khuyến cáo, IS đang là "thương hiệu" khủng bố thành công nhất trong lịch sử.

Động thái kể trên diễn ra sau khi Mỹ quyết định nâng mức tiền thưởng và đưa thêm 4 nhân vật IS vào danh sách "tìm và diệt". Theo đó, 7 triệu USD là mức thưởng cho việc tiêu diệt Abdel Rahman Mustafa al-Qaduli, 5 triệu USD dành cho những thông tin dẫn tới việc tiêu diệt hoặc bắt giữ Abu Mohammed al-Adnani và Tarkhan Batirashvili, còn 3 triệu USD là phần thưởng dành cho cái đầu của Tariq bin al-Tahar bin al-Falih al-Awni al-Harzi.

Một lần nữa chương trình "phần thưởng vì công lý" lại được nhắc tới khi 20 triệu USD cho thông tin về 4 thủ lĩnh chủ chốt của IS là đề nghị thưởng tiền mới nhất của Mỹ về vấn đề này được đưa ra.

 Hơn 3 năm trước (3/4/2012), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thông báo, Washington treo giải 10 triệu USD cho thông tin bắt giữ và buộc tội Hafiz Mohammad Saeed, kẻ thành lập tổ chức khủng bố Lashkar-e-Taiba.

Và cho tới nay thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri của Al-Qaeda, kẻ kế vị Osama Bin Laden, vẫn là đối tượng bị truy nã gắt gao nhất của chương trình "phần thưởng vì công lý" với giá lên tới 25 triệu USD. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về khoản tiền thưởng trả cho cá nhân cung cấp tin dẫn tới việc tiêu diệt Osama Bin Laden - vì lý do bảo mật, nên không thể cho biết ai là người được đề nghị lĩnh giải thưởng này.

Và cho tới nay chưa có thông tin chính thức, cụ thể và chi tiết về khoản tiền thưởng kể trên cho dù Osama Bin Laden đã bị tiêu diệt hơn 4 năm nay. Có điều khá thú vị - ông Leon Panetta khi còn là Giám đốc CIA từng tuyên bố, mặc dù cùng Tổng thống Barack Obama và một số lãnh đạo cấp cao trong chính phủ theo dõi trực tiếp quá trình tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế qua màn hình vệ tinh ở Nhà Trắng, nhưng họ không nhìn rõ những gì đã xảy ra khi đội đặc nhiệm SEAL đột kích vào bên trong dinh thự của Osama Bin Laden ở Pakistan.

Theo thống kê, kể từ khi ra đời năm 1984, chương trình "phần thưởng vì công lý" đã trả trên 125 triệu USD cho hơn 80 cá nhân cung cấp tin về những đối tượng nằm trong danh sách "tìm và diệt". Khoản tiền lớn nhất từng trả cho đến nay là 30 triệu USD - trả cho một cá nhân đã cung cấp thông tin dẫn tới việc bắn hạ Uday và Qusay Hussein, 2 con trai của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Năm 2007, một vài công dân Philippines đã cùng nhận khoản tiền thưởng 5 triệu USD sau khi cung cấp thông tin để bắt giữ và tiêu diệt tên Khadaffy Janjalani, một trong những thủ lĩnh cấp cao của tổ chức Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf tại Philippines.

Năm 2014, Mỹ từng treo giải thưởng 45 triệu USD cho những ai cung cấp thông tin về 8 thủ lĩnh chủ chốt của tổ chức khủng bố Al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP), có trụ sở tại Yemen. Bởi AQAP đã tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố lớn nhằm vào các cơ quan nhà nước của Yemen, các lợi ích của Mỹ và nhiều nước khác.

AQAP tuy mới thành lập hồi tháng 1/2009, nhưng chỉ một năm sau đã bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Năm 2013, Mỹ từng đóng cửa hơn 20 đại sứ quán trước mối đe dọa liên quan tới AQAP. Được biết, Nasr bin Ali al-Ansi, thủ lĩnh của AQAP, kẻ nhận trách nhiệm vụ tấn công tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo của Pháp hồi đầu năm, vừa bị tiêu diệt trong cuộc không kích của Mỹ.

Ý tưởng triển khai chương trình "phần thưởng vì công lý" của Mỹ xuất phát từ các vụ đánh bom nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Kuwait và các lợi ích của Mỹ ở Lebanon. Số tiền thưởng tùy thuộc vào mức độ quan trọng của thông tin liên quan tới đối tượng bị truy nã và sẽ do một ủy ban hỗn hợp gồm các quan chức tình báo, an ninh đánh giá, sau đó trình lên Ngoại trưởng Mỹ quyết định.

Và cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các biện pháp hiện đại khác đang được đưa vào chương trình "phần thưởng vì công lý" như phổ biến hình ảnh đối tượng bị truy nã trên các trang xã hội được ưa thích như Twitter và Facebook, trên các website và tin nhắn cảnh báo tới các thuê bao di động.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu