Các nhà khảo cổ học Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện phiến đá khắc hợp đồng thuê đất tại Teos, một thành phố Hy Lạp cổ đại thuộc tỉnh Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, Daily Sabah hôm 2/10 đưa tin. Teos là một trong 12 thành phố thuộc liên minh Ionian, ra đời vào giữa thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên.
Phiến đá cổ khắc nội dung chi tiết bản hợp đồng thuê đất. Ảnh: Doğan News Agency.
Phiến đá dài 1,5 m khắc thông tin chi tiết về một mảnh đất ở Teos, bao gồm chủ sở hữu, người thuê và hình phạt nếu không tuân thủ điều khoản. Nó được cho là phiến đá chi tiết nhất trong số các phiến đá cùng loại được tìm thấy ở Anatolia, một bán đảo của châu Á mà ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
"Phiến đá cung cấp thông tin về cuộc sống xã hội và hệ thống luật pháp ở Teos", giáo sư Musa Kadıoğlu, người phụ trách nhóm khai quật, nhận xét.
Nội dung trên phiến đá tiết lộ mảnh đất được cho thuê thông qua đấu giá và chủ sở hữu yêu cầu sử dụng nó trong ba ngày mỗi năm. Ngoài ra, hợp đồng được ký với một người bảo lãnh và 6 nhân chứng là những nhân vật nổi tiếng, trong đó có ba quan chức quản lý thành phố.
Giáo sư Mustafa Adak, một thành viên nhóm khai quật, cho biết đây là phiến đá đặc biệt nhất trong số các phiến đá cùng loại bởi một nửa nội dung trong đó đề cập tới hình phạt nếu vi phạm hợp đồng.
"Nó đề ra mức phạt người thuê phải trả nếu họ phá hỏng hoặc không thực hiện thủ tục bảo trì hàng năm đối với mảnh đất và các công trình kiến trúc. Chủ đất cũng yêu cầu kiểm tra mảnh đất mỗi năm và theo dõi hiệu suất của nó", Adak cho biết.