Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy

TP - Đó là tên cuốn sách của Đỗ Lai Thúy, và chủ đề cuộc tọa đàm khá kén người nghe tối 21-2 tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

Dù cái tên của buổi tọa đàm nghe khá gợi, ghế ngồi tại hội trường chưa đầy một nửa. Giới trong nghề còn vắng, nói chi đến thính giả bình thường.

Ngồi vị trí diễn giả ngoài PGS.TS Đỗ Lai Thúy, có dịch giả Cao Việt Dũng, nhà báo Nguyễn Chí Hoan. Thính giả trong nghề hiếm hoi có nhà phê bình Trương Đăng Dung, nhà văn Đặng Thân phát biểu. Vài cây viết khác chỉ có mặt gọi là.

“Lưỡng thê” nói được tình thế phê bình văn học hoặc phải là nghệ sỹ, hoặc phải là người lập thuyết.

Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (Tư tưởng phê bình văn học Việt Nam, một cái nhìn lịch sử), do Nhã Nam ấn hành từ cuối 2010, tiếp nối danh sách tác phẩm của Đỗ Lai Thúy: Mắt thơ (tên cũ Con mắt thơ); Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Chân trời có người bay; Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa; Bút pháp của ham muốn.

Đỗ Lai Thuý coi văn chương vừa là thứ sản phẩm để tiêu dùng vừa là sản phẩm để chơi, theo đó phê bình vừa có tính chất khoa học vừa có tính chất nghệ thuật. “Lưỡng thê” nói được tình thế phê bình văn học hoặc phải là nghệ sỹ, hoặc phải là người lập thuyết. Tác giả cho biết, cuốn sách là cái nhìn lại chặng đường 20 năm gắn bó với phê bình của mình.

“Lần đầu tiên chúng ta nhìn diện mạo nền văn học nước nhà dưới góc nhìn khác, đó là nhìn từ lịch sử phê bình văn học. Đỗ Lai Thúy cập nhật ít nhiều xu hướng chung của thế giới”, PGS.TS Trương Đăng Dung, Viện phó Viện Văn học nhận xét.

Theo ông, cuốn sách là cái nhìn thẳng vào thực trạng văn học, góp phần đổi mới khoa học văn học. Bởi trước hết phải đổi mới tư duy lí luận, phê bình văn học, mới mong có thay đổi nền văn chương nước nhà.

Theo nhà văn Đặng Thân, cuốn sách dù nặng về lý thuyết nhưng văn phong Đỗ Lai Thúy khá gần gũi với người đọc, càng đọc càng hút.

Độc giả Nguyễn Văn Quảng thì cho rằng giới phê bình gần đây thờ ơ trước một số sự kiện văn học. Ví như lùm xùm quanh giải thưởng Hội Nhà văn với tác phẩm Hội thề của Nguyễn Quang Thân, chưa có nhà phê bình văn học uy tín nào lên tiếng.

Sách dày 500 trang, có phần chân dung 13 nhà phê bình. Đỗ Lai Thúy giải thích: Những nhà phê bình được chọn chưa hẳn tiêu biểu cho nền phê bình một thế kỷ, mà trước hết là tiêu biểu cho phương pháp phê bình.

Nhắc đến phương pháp ấy thì không thể không nhắc đến con người ấy, như Hoài Thanh với “tôi lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, Nguyễn Đăng Mạnh và bức tường phê bình, Hoàng Ngọc Hiến và triết lý hai bàn chân.

Theo Báo giấy