Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, từ năm 2010-2014, địa phương này đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 40.403 người, trong đó số lao động là thanh niên qua đào tạo 18.181 người. Các nghề đào tạo chủ yếu như: Kỹ thuật nề xây dựng, kỹ thuật gò hàn, sửa chữa điện dân dụng, kỹ thuật may dân dụng, dệt thổ cẩm, nuôi trồng chế biến nấm, nón lá truyền thống... Từ năm 2009, tại 35 xã và 11 trường dân tộc nội trú của 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và cận huyết thống tại cộng đồng.
Tại buổi làm việc, các ý kiến của đoàn công tác tập trung trao đổi về các vấn đề như: Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên; mức vay, vốn vay cho thanh niên; bồi dưỡng đào tạo, sử dụng tài năng trẻ trong việc bố trí việc làm cho thanh niên cử tuyển, đội viên dự án 600 trí thức trẻ của tỉnh Sơn La; kinh phí hoạt động của Đoàn các xã; đánh giá thêm đội ngũ cán bộ Đoàn tuyên truyền pháp luật.
Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Long Hải ghi nhận công tác thanh niên của tỉnh miền núi Sơn La đã có nhiều cố gắng. Anh Hải đề nghị, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách, làm tốt công tác định hướng việc dạy nghề, đào tạo nghề cho thanh niên gắn với tình hình thực tế của địa phương để phát huy vai trò tuổi trẻ của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục quan tâm công tác giáo dục thanh thiếu nhi và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; thu hút tập hợp được thanh thiếu niên đến với tổ chức Đội, Đoàn; tổ chức thực hiện công tác quy hoạch các thiết chế cho thanh thiếu nhi, có giải pháp xã hội hóa nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ sở này.