Phát triển đi đôi với bảo tồn
Đông đảo đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản tề tựu tại Hội nghị - Hội thảo xin ý kiến góp ý Hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sáng 13/11. Các đại biểu tập trung thảo luận các nhóm vấn đề liên quan đến hệ thống khái niệm và quy trình nhận diện, ghi danh, xếp hạng di sản văn hóa để tiến hành các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị tổng thể di sản văn hóa, quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hoạt động bảo tàng và di sản tư liệu.
Bên lề hội nghị - hội thảo, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Lê Thị Thu Hiền cho biết, thời gian qua, di sản văn hóa đã khẳng định được vai trò là tài sản, đóng góp tích cực để trở thành tài nguyên vô tận trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch theo hướng bền vững. Theo quan điểm phát triển của UNESCO năm 2015, di sản văn hóa của Việt Nam đã phát triển đúng hướng, vừa bảo tồn được các giá trị cha ông để lại, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. “Tổng Giám đốc UNESCO, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới kỳ vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với các mô hình điển hình trong quản lý bảo tồn di sản và phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ được môi trường...”, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa chia sẻ.
Liên quan đến dự án lấp vùng đệm vịnh Hạ Long làm biệt thự, nhà liền kề gây xôn xao dư luận gần đây, bà Hiền chia sẻ, khu vực thực hiện dự án ở vùng đất đồi núi, đầm lầy, khu nuôi thả vịt, không có người dân, không có di sản, di tích, không có quy hoạch du lịch. Đây cũng là khu vực cuối vịnh Bái Tử Long đổ ra biển. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa khẳng định, cần bảo tồn các yếu tố gốc của di sản cũng như những giá trị tạo nên vẻ đẹp của di sản. “Dù phát triển thế nào cũng cần đảm bảo nguyên tắc đó, nhất là với di sản được UNESCO ghi danh. Bộ VHTTDL luôn ủng hộ sự phát triển nhưng phải trên cơ sở bảo vệ theo nguyên tắc bảo tồn di sản và đảm bảo yếu tố gốc, cảnh quan môi trường sinh thái của di sản”, bà Hiền nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa khẳng định, ngay sau khi có ý kiến của Bộ VHTTDL, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời, dừng việc thực hiện dự án. “Chúng tôi nhận thấy biện pháp kịp thời, đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật cũng như văn bản của Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hoá ban hành”, bà nói.
Luật cần sát với thực tiễn
Bên cạnh câu chuyện phát triển đi đôi với bảo tồn, nhiều chuyên gia khẳng định sự cấp thiết khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Đặc biệt trong việc phân định rõ ràng, liên tục cập nhật sự thay đổi giữa khu vực bảo vệ I (vùng lõi) và khu vực bảo vệ II (vùng đệm). Trước đó, nhiều đơn vị đã lợi dụng kẽ hở của Luật Di sản văn hóa để ngang nhiên xâm hại các di sản. “Các khu vực bảo vệ có thể sẽ có thay đổi theo thời gian. Vì vậy, chúng ta phải kiểm tra về việc phân vùng, tránh xảy ra hệ lụy”, GS. Đặng Hùng Võ nói.
Thực tế, hành vi xâm phạm di sản, di tích vẫn diễn biến phức tạp trong nhiều năm nay. Các di sản càng mang tính thương mại, thu hút khách du lịch càng dễ bị xâm hại, thậm chí bị xâm hại nặng nề. Phần lớn các hành vi xâm phạm đến từ việc xây dựng các dịch vụ nhà hàng, ăn uống trong vùng lõi di sản. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (Sở Du lịch Ninh Bình) đã phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm.
Một nguyên nhân được nhiều chuyên gia nhắc tới khi di sản bị xâm phạm là chế tài xử phạt có phần chưa đủ sức răn đe. Đa số trường hợp vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính, hiếm có trường hợp nào bị truy tố. Trước tình trạng này, ông Võ đề xuất, khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) ra đời cần có những quy định rõ ràng, cụ thể về việc sử dụng di sản, trong đó nhấn mạnh, đề cao việc bảo vệ, bảo tồn di sản, sau đó mới tính chuyện khai thác kinh tế dựa vào các di sản này.
“Những giá trị của di sản văn hoá một khi mất đi sẽ không thể có lại. Không thể đánh đổi di sản lấy lợi ích kinh tế ngắn hạn. Chúng ta phải có một khung pháp luật rất chặt chẽ khi đưa các di sản vào làm địa điểm du lịch. Nếu làm được điều đó thì chúng ta mới phát triển đồng thời được du lịch và di sản theo hướng bền vững”, ông Võ nêu.
Các cơ quan quản lý như BQL di tích, chính quyền địa phương các cấp cần nhìn nhận kỹ hơn về trách nhiệm của mình để sớm phát hiện, xử phạt sớm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng cần nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình để kịp thời thông tin cho cơ quan có thẩm quyền ngay từ những dấu hiệu đầu tiên khi di tích bị xâm hại.
Nhiều chuyên gia đề xuất, khi phát hiện việc xâm hại di tích cần xử lý nghiêm minh theo luật pháp, thậm chí truy tố trước pháp luật, kỷ luật những người quản lý trực tiếp.
Điều 48 trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã cập nhật thêm về quy định điều chỉnh các khu vực bảo vệ di tích. Theo đó, các khu vực bảo vệ của di tích chỉ được điều chỉnh khi phương án điều chỉnh khu vực bảo vệ I của di tích bảo đảm bảo tồn nguyên vẹn các yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích. Khu vực bảo vệ II đáp ứng yêu cầu ngăn chặn các yếu tố có thể tác động, làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích và bảo đảm bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
“Việc điều chỉnh các khu vực bảo vệ di tích quy định tại điểm a khoản 4 điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa”, điều 48 nêu rõ. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh khu vực di sản thế giới, vùng đệm của di sản thế giới được thực hiện theo quy định của Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới.