Phạt nặng, lo ngại chung chi

TP - Đó là ý kiến tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật (Quốc hội) với đại diện Chính phủ, các bộ ngành liên quan về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, sáng 6-6.
Cảnh sát giao thông và thanh tra GTCC xử lý ô tô đỗ sai nơi quy định. Ảnh: Hồng Vĩnh

> Công khai tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông trên báo chí

Vi phạm nhiều, xử phạt ít

Chính phủ cho biết, thời gian qua việc ban hành các văn bản pháp luật xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đã có tính răn đe đối với người vi phạm.

Tuy nhiên, diễn biến tai nạn giao thông, thái độ chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp.

Chỉ tính riêng năm 2011, lĩnh vực đường bộ cơ quan chức năng đã xử lý hơn 70.000 trường hợp vi phạm, tăng hơn 2,3 lần so 2010…

Chính phủ kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa tối đa lên 200 triệu đồng, lĩnh vực hàng hải, hàng không lên 400 triệu đồng/lượt. Đồng thời, đề nghị nâng mức phạt cho thanh tra viên, chiến sỹ CAND lên mức 2 triệu đồng/lượt.

Ông Nguyễn Bá Thuyền - Ủy viên UB Pháp luật cho rằng, hiện nay vi phạm nhiều nhưng xử phạt ít, chứ không phải vi phạm giảm như báo cáo nêu.

Trên các tuyến quốc lộ, lái xe có ám hiệu riêng để dễ dàng qua mắt lực lượng chức năng, chưa kể có thể có những tiêu cực khác. Về đề nghị tăng biên chế làm công tác xử lý vi phạm, ông Thuyền cho rằng, dù tăng lên bao nhiêu, vi phạm cũng sẽ không giảm.

Ở các nước, lực lượng này rất ít, nhưng vi phạm luôn được phát hiện, xử lý nghiêm. Cần phải tăng phương tiện kỹ thuật để phát hiện, xử lý vi phạm để đảm bảo công bằng, khách quan, bởi đã là con người thì “có chuyện này chuyện khác”.

“Chính phủ đề nghị tăng mức phạt, nhưng tăng cũng không giải quyết được. Ví như ma túy, đã áp dụng tử hình, nhưng có ngăn chặn được đâu. Mức phạt phải phù hợp thực tiễn, có thể tăng mức phạt lên một chút thì được, nhưng tăng đến 2 triệu thì cao quá, người ta sẽ tìm cách để chung chi”- Ông Thuyền lo ngại.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng - Trần Ngọc Vinh dẫn chứng tình trạng giao thông hỗn độn ở Hà Nội, các xe không đi đúng tuyến, trèo lên vỉa hè, tạt vào các ngõ, ông Vinh nói, đây là một thực trạng, nếu xử phạt thì cả dòng người như thế chúng ta sẽ làm như thế nào.

Hơn nữa mức phạt 1 đến 2 triệu đồng liệu người dân có tiền để nộp phạt: Ông Vinh cho rằng “cho thêm quyền nhưng dân không có tiền” thì phạt kiểu gì?

Gia tăng chống người thi hành công vụ

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Mạnh Hùng cho biết: Thực trạng chống lại người thi hành công vụ có “diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây”, với 56 vụ, làm 18 chiến sỹ cảnh sát bị thương.

Trong đó, đã bắt 63 đối tượng giao cơ quan điều tra xử lý. Riêng Hà Nội xảy ra 27 vụ (chiếm 48,2% cả nước), trong đó có 2 vụ cố ý gây thương tích.

Lo ngại về tình trạng này, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội - ông Chu Sơn Hà đề nghị: Các cơ quan chức năng cần làm rõ vì sao thời gian qua các vụ chống người thi hành công vụ lại gia tăng, phức tạp như vậy.

Vị Phó đoàn ĐBQH Hà Nội cũng băn khoăn về vấn đề sử dụng tiền phạt để chi trở lại cho công tác nghiệp vụ của lực lượng chức năng. Theo ông, việc này phải xem xét, sử dụng rõ ràng hiệu quả.

Ngoài ra, cần làm rõ cơ sở pháp lý của quy định thông báo về địa phương đối với người vi phạm, bởi điều này liên quan tới quyền nhân thân của mỗi công dân.

Một số ĐB cho biết, quy định “tịch thu phương tiện vi phạm” phải có căn cứ, không trái với quy định của Bộ Luật hình sự.

Ví dụ, phương tiện vi phạm bị chiếm đoạt của ngưòi khác thì phải trả lại chủ sở hữu, nhưng truờng hợp cha mẹ để con cái sử dụng xe mà vi phạm thì phải xem xét.

Một số ý kiến đề nghị sửa đổi quy định xử lý tang vật vi phạm không có người nhận để bán đấu giá xung công quỹ nhà nước, tránh gây lãng phí.

Thường trực UB Pháp luật cho biết, những ý kiến, kiến nghị sẽ được nghiên cứu, tiếp thu để đề xuất Quốc hội, Chính phủ những giải pháp, chính sách cụ thể trong thời gian tới.

 Các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân vì sao thời gian qua các vụ chống người thi hành công vụ lại gia tăng, phức tạp như vậy?”. 

Theo Báo giấy