Phát minh dập lửa 'cực dị': Hút lửa vào bình chữa cháy

Thay vì phun chất dập lửa như thông thường, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra giải pháp mới giúp cứu hỏa kịp thời khi đang ở ngoài vũ trụ bằng cách hút lửa vào trong môi trường chân không.
 

Theo Newatlas, khoa kỹ thuật cơ khí tại Đại học công nghệ Toyohashi, Nhật Bản đã phát triển thành công một loại bình chữa cháy kiểu mới, hứa hẹn sẽ áp dụng hiệu quả trên tàu vũ trụ. Loại bình này sử dụng phương pháp chữa cháy chân không (Vacuum Extinguish Method - VEM), cho phép hút lửa và nguồn cháy vào trong một bình chân không, qua đó giúp dập lửa an toàn hơn.

Lửa là một trong những mối nguy hiểm khủng khiếp nhất đối với những con tàu vũ trụ có người lái hoặc hệ thống trạm vũ trụ ISS, tàu ngầm,…Sự nguy hiểm không chỉ đến từ sức nóng, khói mà còn bởi các chất dập lửa truyền thống hiện nay sẽ gây hại lớn đến cấu trúc của tàu.

Ít người biết rằng, đội cứu hỏa trên tàu ngầm và Trạm ISS cần phải đeo mặt nạ oxy trước khi xử lý đám cháy, bởi ngay cả những loại khí vô hại để xử lý đám cháy như CO2 vẫn có thể khiến phi hành đoàn bị chết ngạt. Dùng nước để dập đám cháy ở ngoài không gian cũng là một hành động vô cùng liều lĩnh.

Đó là lý do các nhà khoa học phải tìm ra một phương pháp chữa cháy mới hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề này. Được biết, đại học công nghệ Toyohashi đã hợp tác cùng hai trường khác là Hokkaido và Shinshu nghiên cứu tạo ra VEM.

Quy trình hoạt động của phương pháp VEM.

Phương pháp này gần như đảo ngược hoàn toàn cách thức hoạt động của bình chữa cháy. Thay vì phun chất chữa cháy ra ngoài, bình sẽ hút lửa và vật chất gây cháy vào bên trong buồng chân không. Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế tối đa việc thải ra các loại khí nguy hiểm, cách ly ngọn lửa khỏi oxy nhanh chóng, qua đó đẩy nhanh thời gian dập lửa và hạn chế việc sử dụng mặt nạ dưỡng khí không cần thiết.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Yuji Nakamura, VEM là một sáng chế vô cùng hữu ích và hứa hẹn sẽ sớm được ứng dụng để chữa cháy trong nhiều điều kiện khắc nghiệt và nguy hiểm. Nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí Fire Technology mới đây.

Theo vnreview.vn