Phát hiện khảo cổ gây chấn động thế giới?

TP - GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhắc đến kết quả khảo cổ học ban đầu liên quan sự xuất hiện của người tối cổ tại An Khê, Gia Lai sẽ khiến thế giới kinh ngạc, tại buổi họp báo sáng 11/4.
Hai chiếc rìu tay mới phát hiện tại An Khê được xác định bước đầu thuộc thời Đá cũ thế giới. Ảnh: Toan Toan.

Phát hiện quan trọng

Mong muốn có bản đồ khảo cổ học vùng Tây Nguyên, các chuyên gia Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam bắt tay với Viện Khảo cổ-Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Liên bang Nga từ 2015-2019. “Một số phát hiện ở khu vực thám sát ở An Khê phát hiện dấu tích của thời kỳ Đá cũ, thậm chí cổ hơn cả những di chỉ tối cổ mà thế giới đã phát hiện”, ông Nguyễn Xuân Thắng nói. Chuyên gia Việt-Nga có hai đợt khảo sát 2015-2016 tại Gò Đá, Rộc Hương, Rộc Giá, Rộc Lớn và phát hiện di tích Rộc Nếp.

Phát hiện quan trọng nhất là hai rìu tay ở Rộc Giáo và Rộc Lớn. Kết quả này cùng với hai chiếc rìu tay trước đây ở Rộc Tưng và Gò Đá tạo nên một bộ sưu tập rìu tay tiêu biểu cho rìu tay sơ kỳ Đá cũ thế giới. TS Nguyễn Gia Đối, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, nhấn mạnh đến sự phát hiện 11 di tích Đá cũ sơ kỳ nằm xung quanh khu vực Rộc Tưng, hợp thành quần thể di tích tập trung trong thung lũng bồn địa thuộc xã Xuân An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Các chuyên gia đưa ra đánh giá ban đầu: Đây là các di tích cư trú và nơi chế tác công cụ đá của người nguyên thủy.

Các nhà khoa học Nga đem các mẫu di vật tìm thấy về nước phân tích, nhằm xác định niên đại chính xác. TS Đối nói thêm, trong lúc chờ kết quả phân tích, các chuyên gia khảo cổ nhất trí rằng phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê là bằng chứng khẳng định thượng lưu sông Ba này là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây khoảng trên dưới 80 vạn năm. “Đây cũng được xem như mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam”, TS Đối kết luận.

Bác bỏ quan điểm phương Tây 

Phát hiện về di vật, đặc biệt bộ bốn chiếc rìu tay theo các chuyên gia khảo cổ “bác bỏ quan điểm của một số học giả phương Tây cho rằng chỉ phương Tây mới có rìu tay”. Sự xuất hiện rìu tay ở phương Tây thể hiện sự năng động, tiến bộ của con người, còn phương Đông chỉ có dạng công cụ cuội ghè đẽo thô sơ dạng chopper, thể hiện sự trì trệ lạc hậu, không có đóng góp gì nhiều cho nhân loại. “Phát hiện công cụ ghè hai mặt và rìu tay ở An Khê không chỉ bác bỏ quan điểm sai trái này, mà còn bổ sung tư liệu mới vào bản đồ phân bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới”, TS Nguyễn Gia Đối nói.

Từ những hiện vật tìm thấy, các chuyên gia đưa ra phỏng đoán chủ nhân của những kỹ nghệ tạo tác đá này là người vượn đứng thẳng  - một trong những tổ tiên trực tiếp của người hiện đại trên thế giới. Các chuyên gia phân tích, so sánh về hình thái và kỹ thuật sưu tập công cụ đá An Khê với một số di tích sơ kỳ khác ở Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc, các chế phẩm tìm thấy ở An Khê còn có một số nét cổ xưa hơn.

“Tôi cũng hết sức vui mừng, sững sờ không kém các chuyên gia Nga khi nhìn thấy rìu tay. Rồi đây những di vật này có thể được đưa vào giáo trình thế giới”, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á nói. Dẫu vậy, TS Việt nhắc tới khó khăn khi xác định niên đại thời Đá cũ, dù giá trị rất quý.

TS Ngô Thế Phong (Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam) cũng đặt vấn đề hai yếu tố cổ nhân, cổ sinh chưa được làm rõ, tuy nhiên đồng quan điểm rằng đây mới chỉ dừng ở quy mô thám sát, nếu mở rộng có thể phát hiện thêm dấu tích của người tối cổ chứ không chỉ dừng lại ở công cụ.

Bước đầu các chuyên gia khảo cổ khẳng định các di tích khảo cổ An Khê đều nằm trên thềm cổ nhất của sông Ba, có tuổi sơ kỳ Cánh tân cách ngày nay trên 1 triệu năm. Hiện hơn 20 mẫu thiên thạch ở Việt Nam đã được phân tích niên đại, trong đó tectit (thiên thạch) ở thềm cổ sông Ba tại Cheo Reo-cùng thềm với khu An Khê - có niên đại khoảng 77 vạn năm. Trước một số ý kiến rằng cần cẩn trọng xác định niên đại, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam khẳng định đây là nhận định bước đầu của các chuyên gia trong lúc chờ kết quả chính xác từ chuyên gia Nga. “Thời gian tới Viện sẽ kết hợp với tỉnh Gia Lai tiếp tục khảo cổ, lấy ý kiến chuyên gia địa chất, lịch sử. Viện dự tính tổ chức hội thảo quốc tế để làm rõ hơn những phát hiện khảo cổ này”, TS Đối nói.

Đặc cách xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt?

PGS.TS Nguyễn Giang Hải đề xuất đặc cách xếp hạng di tích khảo cổ ở An Khê thành di tích quốc gia đặc biệt vì giá trị, và yêu cầu cấp thiết trước sự xâm hại của tình trạng khai thác đất đá ở đây. Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nói bên lề cuộc họp rằng chưa có tiền lệ đặc cách. Việc xếp hạng không chỉ phụ thuộc vào giá trị hiện vật, mà còn nhiều tiêu chí khác, hơn nữa đây mới chỉ là các hố thám sát. GS Lưu Trần Tiêu, chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia cũng nói, việc xếp hạng di tích phải có Hội đồng xem xét, bỏ phiếu.