Tây Ban Nha:

Phạt 5 hãng hàng không gần 190 triệu USD

TPO - Chính quyền Tây Ban Nha vừa ra quyết định phạt 5 hãng hàng không giá rẻ tổng cộng 179 triệu euro, khoảng gần 190 triệu USD, vì những "hành vi lạm dụng" đối với người tiêu dùng, bao gồm việc thu thêm phí cho hành lý xách tay.

Hãng Ryanair bị phạt nặng nhất

Hãng hàng không Ryanair phải đối mặt với mức phạt lớn nhất, gần 108 triệu euro (khoảng 113 triệu USD).

Vueling - một hãng hàng không thuộc sở hữu của công ty nắm giữ cổ phần đa quốc gia hàng không Anh - Tây Ban Nha (IAG), bị phạt 39 triệu euro (41 triệu USD).

Hãng hàng không giá rẻ EasyJet, nhận mức phạt 29 triệu euro (khoảng 30 triệu USD).

Hãng hàng không Norwegian Airlines và hãng Volotea lần lượt bị xử phạt 1,6 triệu euro (khoảng 1,7 triệu USD) và 1,2 triệu euro (1,3 triệu USD).

Hãng hàng không Ryanair phải đối mặt với mức phạt lớn nhất.

Theo Bộ Các vấn đề tiêu dùng Tây Ban Nha, các khoản phạt này được áp dụng sau khi phát hiện các vi phạm nghiêm trọng về quyền lợi người tiêu dùng.

Những hành vi bị chỉ trích bao gồm việc thu phí hành lý xách tay, thu thêm phí để đặt chỗ ngồi cạnh nhau cho trẻ em và thiếu minh bạch về giá trên trang web. Ngoài ra, một số hãng hàng không không cho phép hành khách thanh toán bằng tiền mặt tại các sân bay ở Tây Ban Nha.

Đặc biệt, Hãng hàng không Ryanair bị lên án vì thu phí không hợp lý khi hành khách phải in thẻ lên máy bay tại quầy làm thủ tục.

Lý giải từ các hãng hàng không

Michael O’Leary - CEO của hãng hàng không Ryanair - lên tiếng phản đối quyết định xử phạt và gọi các khoản phạt là bất hợp pháp, vô căn cứ. Ông khẳng định rằng các khoản phí hành lý và làm thủ tục tại sân bay được hãng áp dụng nhằm thay đổi hành vi của hành khách, từ đó tiết kiệm chi phí để mang lại giá vé rẻ hơn.

"Những khoản phạt này là sự can thiệp trái pháp luật của Bộ Các vấn đề tiêu dùng Tây Ban Nha và vi phạm các quy định của Liên minh châu Âu (EU). Chúng tôi sẽ kháng cáo và tin rằng các tòa án EU sẽ bảo vệ quyền tự do thiết lập chính sách giá của các hãng hàng không", ông O’Leary nói.

Hãng hàng không EasyJet cũng bác bỏ cáo buộc và cho biết hãng sẽ kháng cáo qua tòa án. Đại diện của hãng khẳng định chính sách hành lý hiện tại tuân thủ các quy định pháp luật, cho phép hành khách mang theo một túi nhỏ miễn phí và chỉ phải trả tiền cho những dịch vụ mà họ mong muốn.

Hiệp hội hàng không Tây Ban Nha lên tiếng

Hiệp hội hàng không Tây Ban Nha (ALA) cho rằng các khoản phạt của Bộ Các vấn đề Tiêu dùng là phi lý và quay lưng với EU.

Ông Javier Gándara - Chủ tịch ALA - cảnh báo rằng quyết định này có thể gây tổn hại lớn cho hành khách, đặc biệt là những người không sử dụng dịch vụ hành lý xách tay. Theo ông, nếu chính sách này được thực thi, gần 50 triệu hành khách hiện không mang hành lý xách tay sẽ phải trả thêm phí, tạo ra sự bất công trong chi phí.

Quyết định mạnh tay từ chính quyền Tây Ban Nha

Bộ Các vấn đề Tiêu dùng cho biết mức phạt được tính toán dựa trên các lợi ích bất hợp pháp mà các hãng hàng không đã thu được từ các hành vi vi phạm. Đây là khoản phạt lớn nhất mà cơ quan này từng áp dụng sau cuộc điều tra kéo dài về ngành hàng không giá rẻ.

Ông Pablo Bustinduy - Bộ trưởng Bộ Quyền xã hội và tiêu dùng Tây Ban Nha - khẳng định các biện pháp xử phạt này nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Những hành vi lạm dụng như thu phí hành lý xách tay sẽ bị cấm triệt để trong tương lai.

Quyết định này dự kiến sẽ gây ra nhiều tranh cãi do các hãng hàng không vẫn kiên quyết kháng cáo, trong khi đó chính quyền Tây Ban Nha khẳng định sẽ không nhượng bộ để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo The Independent