Theo Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 30/1, Tổ công tác giám sát xăng dầu của Tổng cục đã kiểm tra, giám sát tình hình cung ứng xăng dầu ở các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Kết quả giám sát tại Hà Nam, Tổ công tác phát hiện Cửa hàng xăng dầu Tân Thịnh 1 thuộc Công ty Cổ phần đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh ngừng bán hàng trong khoảng thời gian từ 12h đến 13h.
Tổ công tác đã yêu cầu Đội Quản lý thị trường số 3 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh về hành vi ngừng bán hàng mà không thông báo cho cơ quan quản lý.
Cũng trong ngày 30/1, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội 1, Phòng An ninh kinh tế - kiểm tra tại cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty TNHH Phúc Lâm Châu (phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện nhân viên cửa hàng giới hạn số lượng xăng, dầu bán cho khách hàng. Cụ thể, với mặt hàng xăng RON95 chỉ giới hạn bán 30.000 đồng/1 lượt xe máy và 300.000 đồng/lượt ôtô.
Đoàn kiểm tra tiến hành đo lượng xăng dầu tại bể chứa của cửa hàng, xăng RON 95 còn tồn 10.782 lít, dầu diesel tồn 7.823 lít. Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH Phúc Lâm Châu về hành vi giảm lượng bán hàng ra so với thời gian trước đó mà không thông báo cho cơ quan quản lý.
Như vậy, trong thời gian từ ngày 25/1 đến 30/1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã phát hiện, xử lý 3 cây xăng vi phạm các quy định trong kinh doanh xăng dầu với tổng số tiền 45 triệu đồng.
Theo ghi nhận của Tiền Phong, tiếp sau nhiều cây xăng ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam đóng cửa nghỉ bán, nhiều cây xăng ở khu vực Hà Nội dọc tuyến Đại lộ Thăng Long, hướng từ Hà Nội đi Hòa Lạc, qua địa phận huyện Hoài Đức vào huyện Quốc Oai đã đóng cửa và treo biển hết xăng. Một vài cửa hàng mở cửa thì thông báo hết xăng, chỉ còn dầu.
Cụ thể, theo phản ánh, như tại cửa hàng xăng dầu Yên Sơn (xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai), khi người dân vào đổ xăng, nhân viên thông báo do không nhập được hàng nên cây xăng đã không còn xăng để bán.
Một số cây xăng dọc đại lộ Thăng Long chỉ bán xăng hạn chế ở mức 40.000 - 50.000 đồng cho xe máy và 200.000 đồng cho xe ô tô.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cho biết, tình hình của các doanh nghiệp khá căng do giá bán lẻ trong nước hiện thấp hơn so với giá thế giới gần 2.000 đồng/lít.
Theo vị này, diễn biến thị trường đang diễn ra tương tự với giai đoạn sau Tết năm 2022 do mức chênh lệch giá quá lớn. Các doanh nghiệp đầu mối cũng bị lỗ nên không thể cắt chiết khấu cho các thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ. Việc lỗ dây chuyền khiến các đại lý bán lẻ vốn ít nên bị cụt vốn, không còn nguồn lực để nhập xăng về bán.