Lễ trao tặng diễn ra ở sứ quán Pháp ngày 12/1 tại TPHCM.
Báo Tiền Phong từng viết bài về Nguyễn Vĩnh Bảo, 90 tuổi ở hẻm nhỏ gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM) say sưa dạy nhạc tài tử qua interner cho học trò khắp nơi trên thế giới.
Cuộc đời gắn với nhạc tài tử, 10 tuổi Nguyễn Vĩnh Bảo đã chơi đàn tranh, gáo, kìm, cò... Chưa đầy 20 tuổi chàng trai Sa Đéc- Đồng Tháp nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh.
Năm 1955 Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn thành lập, ông được mời làm Trưởng ban Giáo sư Âm nhạc Miền Nam. Ông thành lập ban nhạc Tinh hoa nổi tiếng. Sau đó bất bình vì nhạc truyền thống không được trú trọng, năm 1964, ông rời trường.
Thù lao dạy đàn không đủ lo cho gia đình bảy người con nên ngoài dạy ông phải làm thêm nhiều nghề phụ - đóng đàn, dạy ngoại ngữ, lái taxi...
Sau 1975 có tên trong danh sách giáo sư đại học Illinois, chính phủ Mỹ đề nghị di tản nhưng ông từ chối. Tới 1979 thêm một lần từ chối định cư và làm giáo sư ở nước ngoài- lần này là Pháp do GS Alain Boulfroy - Giám đốc Dàn nhạc Viện Âm nhạc Nanles la Jolie, đề nghị.
Vào tuổi 83, ông nhận lời mời của Ocora Radio France thực hiện đĩa nhạc tài tử thứ hai mang tên “Vietnam - Nguyen Vinh Bao Ensemble”.
Huy chương Nghệ thuật & Văn chương khác với tước hiệu Hiệp sỹ Văn hóa & Nghệ thuật. Theo GS Trần Quang Hải, Nguyễn Vĩnh Bảo là người Việt thứ hai và người trong nước đầu tiên nhận huy chương cao quý này.
Người Việt đầu tiên là GS Trần Văn Khê. Được biết để được huy chương Nghệ thuật & Văn chương & phải qua tước hiệu Hiệp sĩ Văn hoá & Nghệ thuật. Trường hợp nhảy cóc như nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo rất hiếm.