Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói như vậy khi trao đổi với Tiền Phong về thực trạng bạo lực trong dịp Tết, cũng như ở một số lễ hội vừa qua.
Văn hóa ứng xử xuống thấp
Việc có đến 6.200 trường hợp phải nhập viện, trong đó có đến 15 người tử vong do đánh nhau trong những ngày Tết, có phải bắt nguồn từ sự xuống cấp về văn hóa, ứng xử, hay là do nguyên nhân nào khác, thưa ông?
Việc ưa dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề bức xúc là một hiện tượng đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, có không ít vụ việc chỉ là những tranh chấp đơn giản, va chạm nhỏ nhặt nhưng người ta sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết với nhau. Những gì diễn ra trong dịp Tết, cũng như những hình ảnh tranh giành, cướp lễ vật bằng mọi giá ở các lễ hội diễn ra đã thể hiện rõ thực trạng đấy.
“Thực tế hiện nay chúng ta thấy, nhiều người khi ra ngoài xã hội không dám bảo vệ lẽ phải, không dám cứu giúp người bị nạn, không dám tố cáo tiêu cực vì lo sợ bị trả thù. Thấy người ta bị đâm xe không dám xuống cứu giúp vì sợ bị đổ vấy. Tất cả những cái đó đều có nguyên nhân từ sự yếu kém trong thực thi pháp luật. Nếu pháp luật không được thực thi tốt thì sẽ còn gây ra nhiều nguy hại, bạo lực không giảm mà còn tăng cao hơn”
GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên trước hết là do nếp sống văn hóa xã hội của chúng ta đang xuống thấp. Những cái gì mà tổ tiên, cha ông chúng ta cho là thiêng liêng thì nay nó đã có phần bị rạn nứt, mất đi. Nhiều ứng xử cao đẹp, thiêng liêng đã bị chủ nghĩa cá nhân cực đoan thay thế. Ví dụ như, ngày xưa lễ hội cũng có cảnh tranh cướp lấy một vài thứ cầu may. Nhưng không bao giờ có hiện tượng xô đạp, hành hung, đánh đập để cướp giật bằng mọi giá. Bởi thời đó, cha ông chúng ta rất coi trọng tình làng, nghĩa xóm; coi trọng danh dự, phẩm giá nên không có chuyện mạnh ai lấy làm, chen lấn, xô đạp cả các cụ già… Người ta rất sợ tiếng xấu để đời nên mọi người luôn biết phải giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình. Nhưng nay, quyền lợi vật chất thay thế hẳn giá trị tinh thần, người ta sống vì vật chất, coi thường tất cả những cái cao cả của nhân cách, văn hóa… Đi lễ chùa, dự lễ hội, ai cũng mong muốn có nhiều lễ, có nhiều tiền để đặt vào tay phật, tay tượng... Họ đem suy nghĩ “chạy chọt” trong xã hội áp vào với thần thánh. Đó là những suy nghĩ hết sức lệch lạc. Họ nghĩ rằng cướp được tí là có lộc cả năm nên bất chấp quy tắc văn hóa, không cần nể nang, nghĩ ngợi gì cả.
Một nguyên nhân nữa khiến bạo lực gia tăng là do sự bức xúc của xã hội. Nhiều người do cuộc sống tinh thần, công việc, vật chất gặp nhiều khó khăn nên cảm thấy bế tắc dẫn đến thiếu bình tĩnh trong giải quyết. Bên cạnh đó chính quyền, đoàn thể, luật pháp cũng không giúp họ tìm được lối ra dẫn đến việc họ sẵn sàng dùng bạo lực, dùng sức mạnh để giải quyết những vấn đề bức xúc của bản thân.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Pháp luật không nghiêm
Vậy tại sao người dân không tìm đến pháp luật, công lý nhờ phân xử mà lại lựa chọn cách “tự xử”?
Nước ta có rất nhiều luật, nhưng đúng là luật pháp của chúng ta chưa được thực hiện nghiêm minh. Tôi nhớ trên diễn đàn Quốc hội đã từng có ý kiến nói rằng: “Nước ta có một “rừng luật” nhưng cư xử với nhau vẫn theo “luật rừng”. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp ở ta pháp luật không được tôn trọng, thực thi thiếu nghiêm túc. Đôi khi cũng có trường hợp khi nhờ cậy đến pháp luật lại bị thua thiệt. Những cái đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân “tự xử” với nhau bằng “luật rừng”, bằng sức mạnh cơ bắp.
Thực tế chúng ta thấy, cũng là người Việt Nam, nhưng khi đến Singapore họ chấp hành rất nghiêm quy định pháp luật của nước sở tại khi không khạc nhổ, vứt rác, hút thuốc lá bừa bãi. Bởi pháp luật của họ rất nghiêm, anh làm thế thì sẽ bị xử phạt ngay. Hơn nữa, nếu anh làm như thế thì sẽ bị cả xã hội người ta nhìn bằng con mắt kinh ngạc, coi thường. Còn ở ta thì chỗ nào cũng có thể vứt rác, khạc nhổ, rồi cả đánh nhau nữa nên khi trở về Việt Nam, người ta lại sống theo kiểu khác, không chấp hành nghiêm pháp luật như thế nữa.
Để xảy ra tình trạng này phải chăng cũng có nguyên nhân do chưa quan tâm giáo dục nhân cách con người trong nhà trường, thưa ông?
Trong nhà trường chúng ta cũng có quan tâm dạy bảo lớp trẻ đạo đức. Nhưng nhiều khi những bài giảng trong trường lại bị môi trường thực tế bên ngoài phản lại, các em không tiếp thu được. Ví dụ trong trường các em được dạy rằng: đi xe gặp đèn đỏ là phải dừng. Nhưng thực tế ở bên ngoài các em lại dễ dàng thấy các anh, các bác, các cô… của mình vẫn cứ vượt đèn đỏ ào ào… thì các em sẽ nghĩ khác ngay. Rồi các em được dạy là liêm khiết nhưng thực tế các em lại thấy bố mẹ, anh chị cứ phải mua quà đi biếu thế thì làm sao mà liêm khiết nữa… Điều nguy hại hơn nữa là hiện nay những tấm gương tốt hiếm quá. Thậm chí có khi người tốt còn bị coi là cái gì đó xa lạ, lạc hậu, “khốt” quá.
Lo ngại hình thành nếp sống hung hãn
Nhìn về lâu dài những hiện tượng tiêu cực trên sẽ tạo ra những tác hại gì đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, thưa ông?
Những việc tự xử như thế này nếu không có giải pháp ngăn chặn thì sẽ làm cho bạo lực ngày càng lan rộng. Chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về kinh tế, xã hội, cũng như giáo dục, văn hóa truyền thống… Tuy nhiên, cái mà tôi lo ngại nhất là nó sẽ tạo một nếp sống hung hãn trong lớp trẻ sau này. Chúng ta biết, trẻ em thì luôn luôn học tập và làm theo người lớn. Lớp trẻ sẽ thấy rằng, trong những vụ việc như thế, cha anh mình không dựa vào luật pháp mà lại cư xử với nhau bằng bạo lực thì sau này mình cũng sẽ cư xử như thế. Những cái này nguy hại khôn lường.
Vậy theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng trên?
Để hạn chế tình trạng trên chắc chắn chúng ta phải có giải pháp tổng thể từ văn hóa, giáo dục, pháp luật, đạo đức… Tuy nhiên, trước mắt cái quan trọng nhất là làm sao để đảm bảo việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh. Pháp luật phải bảo vệ cho bằng được những người ngay thẳng, chấp hành nghiêm pháp luật. Đồng thời pháp luật cũng phải xử lý nghiêm khắc những kẻ phạm tội. Qua đó để mọi người thấy rằng, pháp luật chính là công lý, là chỗ dựa vững chắc cho mọi người dân trong việc phân xử đúng, sai. Thay vì tự xử, dùng bạo lực với nhau thì người ta sẽ tìm đến pháp luật. Chứ nếu chúng ta cứ để pháp luật không nghiêm thì chẳng khác gì đang khuyến khích người dân dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn ngoài xã hội.
Cảm ơn Giáo sư!