Phao và khoa học

TP - Thuyền nổi trong mọi tình huống của kỹ sư địa chất Nguyễn Xuân An mòn mỏi bao năm không được hỗ trợ đi vào cuộc sống. Áo phao sinh tồn độc đáo của cựu binh Vũ Tuyên vừa ra mắt giữa lúc Nam Bộ trắng nước bởi lũ lụt kỷ lục, Bắc Bộ và Trung Bộ lần đầu trong lịch sử hứng ba cơn bão chỉ chưa đầy hai tuần.

> Phao sinh tồn từ phế liệu
> Những chuyến đò 'ba không'

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu lý giải hàng loạt đề tài sau khi nghiệm thu đúng thủ tục chẳng đem lại hiệu quả gì. Chúng không có đủ giá trị khoa học để công bố, cũng không thể áp dụng vào thực tiễn. GS Hiệu nói phía quản lý duy trì quá lâu cơ chế xin-cho, đối xử thiếu công bằng, không trả lương theo năng lực, và tham nhũng trong cơ quan khoa học, đã mài mòn tâm huyết và ý chí của các nhà khoa học vốn dĩ yêu khoa học.

Cơ chế xin - cho khiến kinh phí cho đề tài hầu như bao giờ cũng bị chia năm sẻ bảy, nào chi cho các sếp duyệt đề tài, cấp kinh phí; nào chi cho hội đồng, chi cho phản biện; nào xử lý các quan hệ dây mơ rễ má. Phần còn lại ít ỏi mới dùng cho đề tài. Như các cụ dạy, tiền nào thì của nấy.

Về nhà khoa học, nhiều người, kể cả cán bộ đầu đàn, không có ý định làm khoa học nghiêm túc, chỉ cốt đăng ký hết đề tài này đến đề tài khác để có kinh phí hoạt động và tăng thu nhờ các khoản chi mềm. Họ làm thế vì lương không đủ sống.

Môi trường khoa học của ta cũng đang bị những thói hư tật xấu của xã hội làm ô nhiễm, làm nảy nở thói ích kỷ, vụ lợi, thích tâng bốc và được tâng bốc?

Chỉ khi cơ chế và thực thi chính sách có đột phá để nhà khoa học thực hiện sứ mệnh phi vụ lợi của mình, mới hy vọng có cái phao sinh tồn cứu cho nền khoa học nước nhà khỏi nguy cơ chìm nghỉm giữa đại dương toàn cầu hóa, mới mong thấy các sáng kiến nghiệp dư kiểu thuyền và áo phao kia sớm đi vào cuộc sống theo cách chuyên nghiệp.

Theo Báo giấy