Theo sắc lệnh, Mỹ sẽ nâng thời gian xét thị thực đối với tất cả người tị nạn lên 4 tháng và cấm nhập cảnh vĩnh viễn đối với một số đối tượng người Syria. Ngoài ra, Mỹ ngừng cấp thị thực nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày đối với 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, gồm Syria, Iraq, Iran, Somalia, Libya, Sudan và Yemen, kể cả những người có thẻ xanh - thẻ cư trú dài hạn tại Mỹ. Quy định đối với người mang thẻ xanh là một trong những nội dung gây tranh cãi nhất trong sắc lệnh. Theo thông tin ban đầu từ phía chính quyền Mỹ, các đối tượng này cũng thuộc diện bị cấm vào Mỹ, song họ có thể làm thủ tục xin thị thực. Nhưng sau khi vấp phải phản đối gay gắt, ngày 29/1, Bộ Nội vụ Mỹ đưa ra thông tin khác: Người giữ thẻ xanh có thể lên máy bay tới Mỹ, nhưng sẽ phải trải qua kiểm tra khi đặt chân vào lãnh thổ nước này.
Phản đối
Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng mang theo những biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu phản đối phân biệt đối xử với người nhập cư. Tại thành phố New York, nơi được xem là biểu tượng của tự do và nhập cư, hàng nghìn người tập trung tại Công viên Battery để phản đối sắc lệnh của tân tổng thống. Các cuộc biểu tình còn diễn ra tại nhiều thành phố khác như Atlanta, Boston, Chicago, Los Angeles, Philadelphia, Seattle… Những người phản đối cho rằng, lệnh cấm đã gây tổn thương cho các gia đình người tị nạn, những người vẫn luôn tin tưởng rằng họ có thể thoát khỏi cảnh tàn sát đẫm máu để tìm kiếm hy vọng mới trên đất Mỹ. Nhưng trên hết, nó đã phá vỡ giá trị tự do và hình tượng của nước Mỹ trên thế giới…
Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman đã chỉ trích sắc lệnh là “vi hiến và trái pháp luật”, đồng thời cho biết New York sẽ tham gia đơn kiện do Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ, Trung tâm Tư pháp đô thị và một số tổ chức khác khởi xướng. Điều này được cho là sẽ gây khó khăn nhất định cho ông Trump vì theo luật pháp Mỹ, các thẩm phán liên bang có quyền ngăn chặn sắc lệnh của tổng thống trong khi Tòa án Tối cao có thể tuyên bố là vi hiến một luật do Quốc hội thông qua và được tổng thống ban hành.
Bộ Ngoại giao Iraq đã bày tỏ “lấy làm tiếc và ngạc nhiên”, khẳng định thật “đáng buồn” khi quyết định được đưa ra bất chấp hai nước đang đạt được những chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong khi đó, Iran tuyên bố sẽ áp dụng “các biện pháp đáp trả để bảo vệ quyền của người dân nước này”. Sudan cũng đã triệu Đại biện lâm thời Mỹ tại Khartoum để phản đối quyết định cấm nhập cảnh. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Sudan, quyết định của ông Trump đã phát đi “một thông điệp tiêu cực”, chỉ hai tuần sau khi Mỹ vừa tuyên bố nới lỏng trừng phạt kinh tế đối với quốc gia châu Phi này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, cuộc chiến chống khủng bố không phải là lý do cấm người tị nạn hoặc người dân từ các nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, chính sách nhập cư vào Mỹ là vấn đề của chính phủ nước này, nhưng London không chấp nhận cách tiếp cận của Tổng thống Trump…
Ủng hộ
Kết quả cuộc khảo sát do Reuters/Ipsos thực hiện, công bố ngày 31/1 cho thấy, có 49% người Mỹ trưởng thành ủng hộ “mạnh mẽ” hoặc “ở một mức độ nào đó” sắc lệnh của ông Trump, 41% người phản đối và 10% trả lời “không biết”. Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy, có 31% người Mỹ được khảo sát cho biết họ cảm thấy “an toàn hơn” nhờ lệnh cấm mà ông Trump đưa ra và có 26% nói rằng cảm thấy “kém an toàn” với sắc lệnh của người đứng đầu Nhà Trắng.
Nhiều người cho rằng, với lệnh cấm này, ông Trump sẽ có thể ngăn chặn nhiều kẻ thù ngay từ ngoài biên giới nước Mỹ, còn những kẻ thù ở trong nước Mỹ thì sẽ sớm phải xuất đầu lộ diện.