>> Đại biểu ngoài Đảng từ 15- 20%
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ, sáng suốt lựa chọn, giới thiệu và bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức đủ tài, xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Đây còn là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn xã hội, qua đó phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao hơn nữa nhận thức về quyền, nghĩa vụ chính trị, trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng, củng cố nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Chú trọng cán bộ trẻ
Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Văn Quynh cho biết, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở T.Ư phải có trình độ chuyên môn phù hợp vị trí dự kiến, có khả năng tham gia Hội đồng dân tộc hoặc một trong các ủy ban của Quốc hội.
Về độ tuổi, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở T.Ư, trên 50% những ứng cử viên phải đủ tuổi tham gia hai nhiệm kỳ trở lên, số còn lại phải đủ tuổi tham gia một nhiệm kỳ (sinh từ tháng 5-1956 trở lại đây đối với cả nam và nữ).
Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử phải đủ tuổi tham gia ít nhất nửa nhiệm kỳ (sinh từ tháng 11- 1953 trở lại đây). Trường hợp cần thiết mà ở ngoài độ tuổi trên thì báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.
Về số lượng, đại biểu chuyên trách tại địa phương, ngoài Hà Nội và TPHCM mỗi nơi có hai đại biểu còn mỗi tỉnh chỉ có một đại biểu. Đối với người trẻ tham gia Quốc hội, sẽ bồi dưỡng đại biểu trẻ nhưng phải có năng lực, sự am hiểu và có khả năng đảm nhiệm vai trò của đại biểu. Định hướng tỷ lệ đại biểu trẻ khoảng 30% (độ tuổi đại biểu trẻ là 40 tuổi trở xuống).
Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND các cấp sẽ khá đa dạng. Với đại biểu dưới 35 tuổi, định hướng đạt tỷ lệ không dưới 15% ở cấp tỉnh, trên 20% ở cấp huyện và trên 25% ở cấp xã.
Về cơ cấu đại biểu là phụ nữ, định hướng đạt tỷ lệ chung khoảng 35%. Đối với Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, cần phấn đấu đạt tỷ lệ cao hơn 35%. Riêng cơ cấu đại biểu là người ngoài Đảng, tỷ lệ có thể là 15- 20% ở cấp tỉnh, 20- 25% ở cấp huyện, 25- 30% ở cấp xã.
Nâng cao chất lượng đại biểu
Trả lời báo chí bên lề hội nghị, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội, Tổng thư ký Hội đồng bầu cử T.Ư Phạm Minh Tuyên cho biết, điểm mới trong cuộc bầu cử lần này là nhấn mạnh tiêu chuẩn của đại biểu, đặc biệt là tiêu chuẩn đại biểu chuyên trách.
Ngoài tiêu chuẩn mà luật đã quy định thì đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là những người thực sự gương mẫu trong cuộc sống, được nhân dân tín nhiệm.
Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương cho rằng, điều khó nhất là cơ cấu các đại biểu. Bởi tìm được ứng cử viên có đủ 4 tiêu chí là nữ, trẻ, người dân tộc, ngoài Đảng là quá khó.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý các thành viên Hội đồng bầu cử và các cơ quan hữu quan về đặc thù của cuộc bầu cử lần này là: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp được tiến hành cùng một ngày (22- 5- 2011).
Do đó, từng thành viên Hội đồng Bầu cử phải nắm chắc luật pháp, quy chế, quy định, tiến độ của cuộc bầu cử; chức năng, nhiệm vụ của cơ quan do mình phụ trách, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
* Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất diễn ra từ ngày 21-2 đến 26-2-2011 nhằm thảo thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng những người ứng cử đại biểu Quốc hội và những người ứng cử đại biểu HĐND.
* Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử, diễn ra từ 21-3 đến 23-3.
* Khâu lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri được ấn định từ 24-3 đến 31-3.
* Ngày 27-4, Hội đồng Bầu cử lập và công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, theo danh sách chính thức do MTTQ Việt Nam và Ủy ban Bầu cử gửi đến.
* Ngày 12-5, Hội đồng Bầu cử và Ủy ban Bầu cử ngưng xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử.