Phải xử nghiêm chủ tàu vi phạm

TP - Nhiều ý kiến đề nghị xử lý nghiêm chủ phương tiện vi phạm quy định an toàn gây tai nạn tại phiên thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (chiều 12/8).

> Vụ chìm ca nô thảm khốc: Giám đốc Cty Việt - Séc nói gì?
> Triệu tập nhân chứng làm rõ nhiều khuất tất vụ chìm tàu ở Cần Giờ

Theo Tờ trình Chính phủ, Luật sửa đổi quy định rõ hơn về hoạt động giao thông đường thủy nội địa; các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện và người tham gia giao thông, vận tải đường thủy nội địa...

Điểm đáng lưu ý của dự thảo, theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng là việc miễn đăng ký đối với phương tiện (khoản 3 Điều 24) gồm: Phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa không chở người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính dưới 5 sức ngựa có sức chở dưới 5 người hoặc bè.

Theo ông Thăng, số phương tiện được coi là nhỏ như trên thời gian qua đăng ký không nhiều, nhưng lại là phương tiện sinh hoạt quan trọng của người dân, cần tạo điều kiện để nhân dân sử dụng thuận tiện. “Dù không đăng ký, nhưng các chủ phương tiện vẫn phải đảm bảo các điều kiện an toàn theo hướng dẫn của cơ quan chức năng” – ông Thăng nói.

Tuy nhiên quy định này cũng khiến một số ĐB băn khoăn bởi nếu bỏ việc đăng ký có thể ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. “Cần làm rõ vì sao tai nạn giao thông thủy hiện nay gia tăng để có quy định cụ thể hơn. Ví dụ quy định bắt buộc chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm về an toàn khi chuyên chở hành khách, nếu vi phạm cần có chế tài phạt thật nghiêm”- Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước kiến nghị.

Nhắc lại vụ chìm tàu kinh hoàng tại Cần Giờ mới đây, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn lưu ý nên quy định tốc độ các phương tiện là bao nhiêu, nhưng đọc mãi không thấy có trong dự thảo. Cũng theo ông, không nên thả lỏng việc đăng kiểm một số loại phương tiện vì như thế sẽ khó bảo đảm được an toàn khi phương tiện lưu hành. Ngoài ra, dự thảo cũng cần quy định rõ hơn về cứu hộ. “Vụ chìm tàu ở Cần Giờ nhắc nhở chúng ta về việc này, bởi có hai tàu đi sau, họ biết nhưng không cứu vì sợ sẽ bị nạn. Vậy phải quy định như thế nào chứ không thể để muốn cứu hay không cứu cũng đều được” – ông Sơn nhấn mạnh.

Theo Báo giấy