Phải tạo ra một xã hội dân sự phát triển

TP - “Việc xây dựng một nhà nước pháp quyền cần chú trọng xây dựng, hình thành một xã hội dân sự thực sự, có những cơ chế để quyền công dân mà Hiến pháp, pháp luật qui định được thực hiện” - Chủ tịch Hội luật gia Phạm Quốc Anh trao đổi với Tiền Phong.

Xây dựng nhà nước pháp quyền:

Phải tạo ra một xã hội dân sự phát triển

Đẩy nhanh sửa đổi Hiến pháp
> Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Chủ tịch Hội Luật gia nói: Hiện nay, do nhu cầu và thực tiễn đòi hỏi, nhiều tổ chức hội được thành lập trên mọi lĩnh vực, nhưng lại chưa có luật điều chỉnh. Cần sớm ban hành Luật về hoạt động hội (hay Luật về tổ chức, hoạt động của các tổ chức đoàn thể, xã hội) trên cơ sở NĐ 45/CP của Chính phủ. Đây là cơ sở cho hội phát triển, hoạt động quy củ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã chú trọng xây dựng các tổ chức đoàn thể xã hội, đó chính là tinh thần của xã hội dân sự.

Những năm qua, chúng ta đã chú ý, nhưng chưa thực sự coi trọng tạo các điều kiện để các tổ chức xã hội phát triển, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, ngày càng tốt hơn.

Hiến pháp đã ghi nhận những quyền công dân cơ bản, như quyền lập hội, biểu tình…nhưng vì chưa có luật nên người dân không thể thực hiện những quyền đó?

Những vấn đề thực tiễn đặt ra, người ta vẫn làm, thí dụ biểu tình, dù chưa có luật. Dân vẫn tụ tập đông người đưa kiến nghị nọ kia, thì đấy là biểu tình. Nếu chúng ta có luật rồi, vi phạm sẽ hạn chế. Luật ngăn chặn vi phạm nhưng cũng tạo điều kiện cho dân thực hiện các quyền của mình. Tôi cũng nhất trí đề nghị phải sớm ban hành Luật về biểu tình, ai vi phạm thì xử lý.

Tôi nhớ, Hiến pháp 1946 qui định rất cụ thể về quyền công dân và nhân quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa những quyền cơ bản đó lên hàng đầu, vì đó là những quyền bất khả xâm phạm.

Theo ông việc xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta cần tập trung vào những mặt nào?

Cần tập trung 3 mặt quan trọng: Xây dựng chính quyền mạnh, không có tham nhũng tiêu cực. Chính quyền đó thực sự của dân, do dân, vì dân. Có nền kinh tế thị trường mạnh, đảm bảo cho người dân được tự do kinh doanh. Và xây dựng được các tổ chức quần chúng nhân dân phát triển, có điều kiện nói tiếng nói của mình, đóng góp xây dựng nhà nước-xã hội.

Nói cách khác, là phải tạo ra một xã hội dân sự phát triển. Lâu nay chúng ta mới chỉ tập trung vào việc xây dựng chính quyền mạnh, tuy nhiên không phải không bộc lộ những yếu kém trong thực thi, quản lý xã hội. Chúng ta đã hình thành được cơ sở của một nền kinh tế thị trường. Nhưng mảng xã hội dân sự còn dè dặt, như tôi đã nói.

Một nền kinh tế thị trường mạnh, đúng nghĩa theo ông là gì?

Có cơ chế quản lý tốt, tránh độc quyền. Chúng ta đã có bước tiến, có phần nổi trội so với nhiều nước khi vào WTO. Nền kinh tế hàng hóa phong phú, đa dạng. Nhưng cần quan tâm, hạn chế độc quyền của các đơn vị kinh tế có quan hệ thiết yếu với đời sống, nhất là điện, xăng dầu.

Giá điện có thể điều chỉnh để phù hợp chi phí đầu tư, nhưng cũng phải phù hợp với thu nhập, khả năng đóng góp của dân. Điện không đáp ứng đủ nhu cầu của dân và còn thiếu minh bạch về giá cả, phân phối.

Phải có cơ chế để các DNNN thiết yếu phải vì lợi ích nhân dân. Khuyến khích, mở rộng hành lang cho DN vừa và nhỏ, nhưng phải kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tránh để DN lợi dụng cơ chế, chính sách trốn thuế, nhà nước thất thu và chỉ làm lợi cho các liên doanh nước ngoài. Tất cả những vấn đề đó phải đặt ra trong quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này.

Sửa Hiến pháp cần đảm bảo ổn định, lâu dài

“Việc sửa đổi Hiến pháp (HP) cần chú trọng đến tính ổn định lâu dài, ít nhất là 30-50 năm hoặc lâu hơn. Với yêu cầu đó, HP phải nêu ra những nguyên tắc cơ bản, mang tính định hướng, phải dày công nghiên cứu. HP sửa đổi cần đảm bảo quyền của người dân được tôn trọng, thực thi. Người dân có quyền thực sự tham gia vào công tác quản lý, điều hành bộ máy nhà nước. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải rộng rãi, đến từng người dân cụ thể” - Chủ tịch Hội luật gia Phạm Quốc Anh.

Theo Báo giấy