Phải lo an toàn cho dân trước

TP - Ngày 1-10, UBND tỉnh Quảng Nam và các sở ban ngành đã họp với lãnh đạo các công ty thủy điện lớn như A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung, Đăk Mi 4… để triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ đập các hồ thủy điện, thủy lợi trong mùa lũ 2012.

> EVN nhận trách nhiệm

Năm 2011 Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ gây lũ bất thường ở hạ du. Ảnh: N.T.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho rằng: Hiện các thủy điện có dung tích phòng lũ không đáng kể nên cắt lũ cho hạ du rất kém. Vì vậy phải xây dựng quy chế phối hợp vận hành trong mùa mưa lũ. Đây là công việc cấp thiết trong phương án phòng chống bão lũ cho vùng hạ du. Vì vậy phải xây dựng phương án tổ hợp phương án PCLB cho tất cả các thủy điện.

Hiện nay, tổng dung tích hồ thủy điện trên địa bàn Quảng Nam hơn 2 tỷ m3 nước. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, đã kiến nghị Bộ TN&MT, Chính phủ sớm điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ thủy điện theo hướng hạ thấp mực nước đón lũ hơn nữa. Mặt khác, yêu cầu thực hiện việc trữ nước muộn các hồ chứa thủy điện.

Theo đó, yêu cầu các thủy điện hàng năm chỉ được tích nước đầy hồ sau ngày 30-11, thực hiện theo quy trình của địa phương kiến nghị để tránh việc gây lũ cho hạ du. Bộ cần có chế tài đối với các chủ hồ không tuân thủ các quy định, quản lý, vận hành hồ chứa.

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: “Trước tới nay, các công ty có hồ thủy điện ưng xả lũ khi nào thì xả nên không cắt lũ, điều tiết lũ. Thủy điện cứ đầu mùa mưa về là tích nước đến lúc lũ bão về lại xả lũ làm cho hạ lưu ngập nặng nề. Tỉnh kiến nghị bộ ban hành quy trình vận hành lũ theo thực tế của địa phương. Phải lo cho người dân ở hạ lưu trước, sau đó mới tính đến vấn đề kinh tế”.

Trong số các hồ chứa thủy điện, UBND tỉnh lưu ý đến đập thủy điện Sông Tranh 2 dù được khẳng định an toàn, chưa được tích nước nhưng phải kiểm soát, theo dõi cụ thể mực nước về và an toàn đập.

Đại điện BQL thủy điện Sông Tranh 2 cho biết đã xây dựng phương án PCLB cho vùng hạ du mong tỉnh phê duyệt. Thủy điện Sông Tranh 2 đã ký với các huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn quy trình phối hợp vận hành.

Trước mắt, thủy điện Sông Tranh 2 sẽ mở sáu cửa ở ngưỡng tràn để thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, và đã lắp đặt hai trạm cảnh báo lũ từ xa tại Tiên Phước và Hiệp Đức.

Công ty cũng đã lắp đặt camera giám sát hồ thủy điện để mọi người đều có thể vào mạng giám sát…

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, huyện đề nghị BQL dự án Thủy điện 3 cung cấp bản đồ ngập lụt nhưng hình như thủy điện này cũng không có. Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa tỉnh cùng huyện và thủy điện Sông Tranh 2 để ứng phó với sự cố xấu nhất.

Tại cuộc họp, Cty thủy điện A Vương cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy PCLB&TKCN để phối hợp vận hành hồ chứa và quy trình xả khi lũ về tránh trường hợp đáng tiếc như năm 2009.

Sao chép đánh giá tác động môi trường của thủy điện Sông Tranh:

Bộ Tài nguyên Môi trường và EVN chịu trách nhiệm

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ngày 1-10, ông Cao Anh Dũng, Cục phó Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết: Ngày 28-9 tại buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Bắc Trà My, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện công ty tư vấn điện 1 thuộc EVN đã trả lời những thông tin liên quan việc TS Lê Trần Chấn, nguyên Trưởng phòng Địa lý Sinh vật (Viện Địa lý) tố cáo EVN sao chép, bóp méo thông tin về động đất.

Theo ông Dũng, việc xây dựng những thông tin liên quan đến động đất và báo cáo tác động môi trường thực hiện từ năm 2005 trong khi những thông tin về động đất kích thích ở Việt Nam còn rất hạn chế, nên phải tham khảo thông tin tổng hợp từ nước ngoài.

Tại thời điểm đó, TS Chấn được giao chủ trì, chủ biên tổng hợp những thông tin về động đất kích thích của thế giới và công ty tư vấn điện 1 đã trích dẫn những thông tin đó.

“Việc xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường các công trình thủy điện đã được Bộ Tài nguyên Môi trường thẩm định và phê duyệt. Cho nên cơ quan nào xây dựng cái đó thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các số liệu và báo cáo. Cơ quan thẩm định cũng có trách nhiệm với báo cáo. Việc có rà soát lại báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không là phạm vi trách nhiệm thuộc Bộ TN&MT”- ông Dũng nói.

Theo Báo giấy