Ông Vũ Mão nói về 'hỏi mồi’ tại Quốc hội

Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 được cử tri, dư luận đánh giá có nhiều khởi sắc, trong đó dấu ấn từ các phiên chất vấn, trả lời chất vấn là rõ nét hơn cả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện tượng mới "hỏi mồi" cũng xuất hiện, ảnh hưởng đến chất lượng phiên chất vấn.

Ông Vũ Mão nói về 'hỏi mồi’ tại Quốc hội

> Dân ý, dân quyền

> Sửa đổi Hiến Pháp: Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực
> Quốc nạn ngày càng trầm trọng

Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 được cử tri, dư luận đánh giá có nhiều khởi sắc, trong đó dấu ấn từ các phiên chất vấn, trả lời chất vấn là rõ nét hơn cả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện tượng mới "hỏi mồi" cũng xuất hiện, ảnh hưởng đến chất lượng phiên chất vấn.

 

Phóng viên đã có cuộc đối thoại cởi mở với ông Vũ Mão (ảnh) - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề trên.

Giải mã... "hỏi mồi"

Góp ý về những điểm cần khắc phục về kỳ họp QH thứ 4 vừa qua, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết đã có ý kiến phản ánh tình trạng "hỏi mồi" trong phiên chất vấn, kiểu như: "Tôi ấn nút hỏi một số vấn đề (dễ- PV), rồi anh trả lời dài cho hết thời gian chất vấn". Từng là Chủ nhiệm Văn phòng QH, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp QH, ông giải mã hiện tượng này như thế nào?

- Nêu hiện tượng "hỏi mồi" như là một sự cảnh báo cần ngăn ngừa, tôi nghĩ là hết sức cần thiết. Nhưng nói thẳng là hiện tượng này không phải bây giờ mới có, nó đã có biểu hiện từ lâu nhưng không thẳng thắn như cụm từ "hỏi mồi" mà anh đề cập.

"Hỏi mồi" - nói khái quát là chúng ta đang bàn về chất lượng câu hỏi chất vấn của ĐBQH. Qua kinh nghiệm thực tế công tác, cũng như qua theo dõi các phiên chất vấn gần đây, tôi thấy có khoảng 30% câu chất vấn của ĐBQH là tốt, 50% chất lượng trung bình và 20% yếu, kém.

Về câu hỏi tốt thì đương nhiên cử tri đều rất hài lòng, thích thú bởi nó đạt được những vấn đề cơ bản ở tầm vĩ mô của QH, của đất nước nhưng cũng sát với những vấn đề bức xúc của cơ sở, thực tiễn.

Còn trong số 20% câu hỏi yếu, chất lượng kém, gây chán cho phiên chất vấn, tôi ước tính có khoảng 5% là câu "hỏi mồi". Về chất lượng câu hỏi kém theo tôi có 2 nguyên nhân chính: Một là do năng lực, trình độ của ĐBQH còn hạn chế. Hai là, một số hỏi để lấy lòng, hỏi để chứng tỏ trước cử tri nơi mình ứng cử rằng mình làm tròn nhiệm vụ ĐBQH.

Nếu có hiện tượng "hỏi mồi" như vậy thì người hỏi được lợi gì và người trả lời được lợi gì?

- Cách đặt vấn đề này, tôi cho là rất thú vị. Cơ chế thị trường đang bắt đầu ngấm vào mỗi chúng ta; rồi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ đang hiện hình và đây cũng chính là cơ hội cho "hỏi mồi" phát triển. Theo tôi, "hỏi mồi" bao giờ cũng mang động cơ và có mưu lợi.

Tuy nhiên, tôi nghĩ bản thân vị ĐBQH "hỏi mồi" đó chưa chắc đã muốn hỏi mà có thể do lãnh đạo đoàn ĐBQH gợi ý phát biểu để thể hiện sự chia sẻ, quan hệ với vị bộ trưởng phải trả lời chất vấn.

Mục đích của đoàn ĐBQH đó muốn hỏi để thấy: "Chúng tôi không làm khó anh, có gì anh lưu ý đến địa phương của chúng tôi". Thực tế, các khoá trước đây, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã nêu ra vấn đề này và tôi, với trách nhiệm của mình đã thường góp ý thẳng thắn cho các đoàn ĐBQH đó.

Còn cái được của người được "hỏi mồi" là không phải toát mồ hôi với những vấn đề gay cấn và sẽ được thở phào nhẹ nhõm, thoải mái khi chỉ còn là cung cấp số liệu vô thưởng vô phạt.

Tóm lại là không sợ bị quy trách nhiệm, không phải xin lỗi, không phải hứa khắc phục. Qua các lần trả lời chất vấn từ trước tới nay, tôi nghĩ rằng mới chỉ có khoảng 30- 50% các bộ trưởng trả lời chất vấn đạt yêu cầu, còn lại là chưa đạt yêu cầu.

Chỉ rút kinh nghiệm

Thưa ông, nếu thực sự có "hỏi mồi" trên nghị trường thì phiên chất vấn của QH bị ảnh hưởng như thế nào?

- Đương nhiên sẽ ảnh hưởng. Tôi cho rằng, nếu không ngăn chặn, kiểm soát hiện tượng này, phiên chất vấn của QH sẽ trở nên nhạt nhẽo. Hiện nay, chất vấn - một hoạt động giám sát quan trọng của QH, được truyền hình, phát thanh trực tiếp- là nội dung được cử tri kỳ vọng, chờ đợi nhất.

Cử tri chờ đợi bởi vì họ muốn xem những bức xúc của mình sẽ được giải quyết như thế nào? Thứ hai là, phiên chất vấn cũng để cử tri đánh giá trình độ, thái độ của người trả lời chất vấn ra sao?

Chúng ta cần thấy rằng, phiên chất vấn của QH là rất quan trọng đối với cử tri. Nhiều khi chất vấn và trả lời chất vấn như là "cơm ăn, nước uống, như là dòng máu chảy trong người".

Nói như vậy để thấy trong đời sống chính trị của nhân dân ta hiện nay, những câu "hỏi mồi" sẽ gây bức xúc cho cử tri cả nước? Và khi những đòi hỏi, kỳ vọng về phiên chất vấn không đạt được mong muốn, đương nhiên hình ảnh của QH, của ĐBQH... trong con mắt cử tri sẽ bị giảm sút.

Thưa ông, như ông nói hiện còn có khoảng 20% câu hỏi là yếu, không tốt, trong phần này có khoảng 5% là "hỏi mồi". Con số này so với QH các nước là ít hay nhiều và cách họ phản ứng với dạng câu hỏi này như thế nào?

- Tôi có theo dõi, quan sát một số phiên họp của QH một số nước và nhận thấy họ cũng có "hỏi mồi". Đây là những câu hỏi của các nghị sĩ chất vấn lãnh đạo QH thường ở cùng đảng, cùng phe với mình.

Các nghị sĩ ở đảng khác sẽ dễ dàng nhận ra ngay đó là các câu hỏi gợi ý, hỏi để lãnh đạo thoát thân. Những câu "hỏi mồi" kiểu đó lập tức bị các nghị sĩ ở đảng đối lập phản đối, thậm chí đề nghị "ngồi xuống đi, đừng hỏi nữa".

Ở ta không thể làm thế được. Nếu ĐBQH nào ở ta có hỏi như thế và bị cắt sẽ bị cho là thiếu tôn trọng, thiếu văn hóa. Chúng ta chỉ xì xào với nhau thôi, cao lắm cũng chỉ là góp ý kiến trong văn bản của đoàn đề nghị rút kinh nghiệm...

Thời ông làm Chủ nhiệm Văn phòng QH có xuất hiện “hỏi mồi” không? Trong công tác tham mưu với lãnh đạo QH, Văn phòng có đề xuất giải quyết hiện tượng này không?

- Thời kỳ chúng tôi chưa biết dùng thuật ngữ "hỏi mồi", bây giờ dùng từ này, nghe được lắm! Các câu hỏi này thường có ở các ĐBQH mới tham gia lần đầu hoặc ở vào các địa phương yếu thế, có nhiều khó khăn, tỉnh nông nghiệp, thu ngân sách thấp.

Khi ấy, chúng tôi thường đề nghị rút kinh nghiệm sâu sắc và lần sau không chấp nhận những câu hỏi kiểu như xin con số hoặc xin bộ trưởng, trưởng ngành đề nghị giải thích vấn đề này, vấn đề kia.

Tôi cho rằng, ở mức độ đó là đủ, vì mỗi ĐBQH có quyền của mình chứ, điều quan trọng là cử tri nơi bầu ra họ sẽ có ý kiến. Cũng cần nói thêm rằng, những ý kiến góp ý của chúng tôi rất có tác dụng, hiện tượng đó thường ít lặp lại ở các lần sau.

“Đừng hỏi nhiều mà nông”

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định cần ngăn chặn việc “hỏi mồi”, nhưng sẽ làm từ từ và dứt khoát không để dây dưa được. Ông đồng tình quan điểm này không?

- Tôi đồng tình với quan điểm của đồng chí Chủ tịch QH. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận có hiện tượng này và cần giải quyết. Nhưng giải quyết thế nào cũng phải hết sức tinh tế, có văn hóa, nếu không sẽ để lại những điều tiếng không tốt.

Vì sao tôi nói như thế? Là bởi để phân biệt "hỏi mồi" và không "hỏi mồi" khó lắm. Nếu đồng chí điều hành phiên họp sắc sảo, nhạy bén phát hiện ngay "hỏi mồi" rồi phê phán luôn chắc chắn sẽ đụng chạm, gây mất lòng. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là chúng ta đã nhận thấy vấn đề này, rồi đề nghị ĐBQH đó, đoàn đó cùng rút kinh nghiệm, đề nghị không hỏi như vậy nữa. Làm được thế, không khí chất vấn chắc chắn sẽ sôi nổi, có sức sống...

Bên cạnh việc một số ĐBQH chất vấn còn yếu, trung bình thì QH ngày càng ghi nhận nhiều chất vấn thẳng thắng truy vấn đến cùng. Điều này theo ông do bản lĩnh của ĐBQH ngày càng được chứng tỏ, hay do sự dân chủ trong QH đang rõ ràng hơn?

- Tôi nghĩ là do cả hai. Trước hết phải nói không khí dân chủ trong QH đang ngày càng được đổi mới, cởi mở hơn. Ngay cả lãnh đạo nhiều QH trên thế giới đến nước ta cũng khen QH Việt Nam rất đổi mới, thậm chí như Trung Quốc cũng nói cần học sự đổi mới của QH chúng ta.

Thứ hai, với các ĐBQH thì cử tri cũng dễ dàng nhận thấy họ đang ngày càng khá lên, cả về trình độ lẫn suy nghĩ. Nhiều ĐBQH đã tạo được niềm tin với nhân dân bởi phát biểu có trí tuệ, sắc sảo, gắn với quyền lợi của cử tri.

Đơn cử như khóa VIII, khóa IX có ĐBQH Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Đàm Ngụy; đến khóa X, XI có ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng, Đỗ Trọng Ngoạn; khoá XII có ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Trần Du Lịch...

Gần 2 năm của khoá XIII này, các ĐBQH Dương Trung Quốc, Trần Du Lịch tiếp tục phát huy và có thêm ĐBQH Lê Như Tiến... Tôi nghĩ, các ĐBQH này chính là những hạt nhân để giúp cho hoạt động của QH ngày càng dân chủ, hoạt động sôi nổi hơn, đặc biệt họ cũng sẽ giúp cho việc lấn át đi những ĐBQH với những câu hỏi chất vấn mà cử tri chưa thật ưng lòng.

Cũng về phiên chất vấn, có ý kiến cho rằng, không cần phải hỏi nhiều, chất vấn nhiều mà chỉ cần 3 ĐBQH hỏi thật sâu, truy vấn đến cùng còn hơn là nhiều câu hỏi mà không trả lời hết, không đến cùng. Thà hỏi ít mà sâu, kỹ còn hơn là hỏi nhiều mà nông?

- Tôi ủng hộ hoàn toàn. Tôi nhớ lại, kỳ họp QH giữa năm 1994, có tới 7 bộ trưởng và chánh án Toà án Nhân dân Tối cao trả lời chất vấn, tổng cộng là 8 vị; 3 năm sau, năm 1997 rút xuống còn 6 vị; 5 năm sau nữa, năm 2002 tới giờ rút xuống còn 5 vị.

Về thời gian thực hiện chất vấn trước đây là 3 ngày, sau đó nhiệm kỳ XI rút xuống 2,5 ngày. Ở nhiệm kỳ XII có lúc rút xuống còn 2 ngày. Việc này chỉ thực hiện trong vài ba kỳ họp, thấy không ổn và trở lại 2,5 ngày cho đến nay. Tôi cho rằng, nên trở lại như thời kỳ đầu, thời gian chất vấn là 3 ngày, số người trả lời chất vấn chỉ nên từ 3 - 4 người. Để xem xét kỹ và đi đến cùng của các vấn đề thì mỗi vị cần có một ngày mới đủ.

Theo tính toán của chúng tôi, hiện có khoảng 70% ĐBQH và từng ấy % cử tri chưa thỏa mãn với người trả lời chất vấn. Còn bản thân người trả lời chất vấn, nhiều vị cũng chưa thỏa mãn vì thời gian trả lời ngắn quá, đang trả lời thì bị cắt. Như thế, cả hai đối tượng đều không thoả mãn thì chúng ta cần phải tìm cách đổi mới.

Ngoài giảm số người, tăng thời gian thì số câu hỏi cũng nên ít đi, chỉ tập trung chất vấn vào nội dung nóng bỏng nhất, không chất vấn tràn lan. Mỗi lần chất vấn chỉ nên tập trung vào một chuyên đề. Trên cơ sở đó, QH cần ra nghị quyết riêng về vấn đề mà bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời. Tuy nhiên, đến đây cũng mới chỉ xong 50% phần việc, 50% còn lại là các Ủy ban của QH, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... phải tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết đó.

Xin cảm ơn ông!

Theo Văn Hoài
Dân Việt

Theo Đăng lại