Ông Trump tuyên chiến với Google, Facebook

TP - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa cáo buộc Google và một số công ty công nghệ Mỹ khác sắp đặt các kết quả tìm kiếm trên mạng về ông “để chúng hầu như chỉ hiện lên các thông tin xấu”, theo AP.
Google nói họ không sử dụng công cụ tìm kiếm để gây ảnh hưởng chính trị.

Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra bằng chứng nào về việc bị đối xử với định kiến, nhưng một cố vấn cấp cao của chính quyền nói Nhà Trắng sẽ xem xét xem Google có khả năng phải đối mặt với cáo buộc vi phạm quy định nào không.

Google ngay lập tức đáp trả, nói rằng cáo buộc của ông Trump là không đúng. “Chúng tôi chẳng bao giờ sắp xếp các kết quả tìm kiếm để điều khiển thái độ chính trị (của người dùng dịch vụ)”.

Những cáo buộc mới nhất của Tổng thống Mỹ đồng nhất với những lời chỉ trích của ông đối với giới truyền thông. Nó cũng cho thấy suy nghĩ của ông Trump, rằng ông không được tin tưởng, trong khi ông xứng đáng với điều đó.

“Tôi nghĩ Google đã tận dụng lợi thế phổ biến của họ, và tôi nghĩ rằng đó là điều nghiêm trọng”, ông Trump viết trên Twitter, nói thêm rằng Google, Twitter, Facebook và các công ty khác “tốt nhất là nên cẩn thận, bởi vì các anh không thể làm thế với  mọi người”.

Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ, nói với các phóng viên sau đó, rằng Nhà Trắng “đang xem xét” liệu công cụ tìm kiếm của Google có vi phạm quy định nào của chính quyền hay không. Trong khi đó, ông Trump nhiều lần tỏ ra tự hào vì đã cắt bỏ nhiều quy định của chính phủ để thúc đẩy kinh tế.

Google, trụ sở tại California, nói họ luôn hướng tới việc đảm bảo công cụ tìm kiếm của mình giúp mang lại những kết quả phù hợp nhất với yêu cầu của người dùng. “Công cụ tìm kiếm không được sử dụng để gây ảnh hưởng chính trị và chúng tôi không áp đặt các kết quả tìm kiếm theo một tư tưởng chính trị nào”, công ty này tuyên bố.

Trước khi lên tiếng cáo buộc  Google, công ty con của Alphabet Inc, Tổng thống Mỹ chỉ trích một loạt công ty công nghệ khác, theo Reuters. Ông Trump nói các mạng xã hội như Twitter hay Facebook đã “ém đi” những tiếng nói theo tư tưởng bảo thủ. Tổng thống Mỹ cho rằng tập đoàn thương mại điện tử Amazon đang làm tổn hại lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ, hưởng lợi từ một thỏa thuận đầy thiên vị với Cơ quan Bưu chính Mỹ. Ông cũng liên tục cáo buộc giới báo chí, cho rằng họ luôn đưa tin thiếu công bằng
về ông.

Trước những cáo buộc của Tổng thống Trump, ngoại trừ Google, các công ty khác như Facebook hay Twitter đều từ chối bình luận. Trong các cuộc điều trần trước quốc hội, cả hai công ty này đều bác bỏ khả năng họ can thiệp vào nội dung với ý đồ chính trị.

Yêu cầu giám sát các “ông lớn” công nghệ

Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng không chỉ ông Trump, một số chính trị gia của cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đã lên tiếng yêu cầu giám sát chặt các công ty công nghệ lớn đang thống lĩnh môi trường internet.

Vài tháng trước, thành viên đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Thương mại liên bang Joseph Simons nói cơ quan này sẽ để mắt đến các công ty công nghệ. Trong một cuộc điều tra, Ủy ban Thương mại liên bang phán quyết rằng Google rất có thể đã “can thiệp” vào cỗ máy tìm kiếm, gây hại các công ty khác.

Hồi tháng 6, hạ nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Keith Ellison yêu cầu Ủy ban Thương mại liên bang điều tra các hành vi bị cho là phản cạnh tranh của Google trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng và thị trường quảng cáo.

Một số nghị sỹ cũng bày tỏ quan ngại về khả năng các công ty mạng xã hội xóa bỏ nội dung từ một số người theo tư tưởng bảo thủ. Họ đã kêu gọi giám đốc điều hành của Twitter ra điều trần trước một ủy ban Hạ viện vào ngày 5/9 tới.

Đầu tháng vừa rồi, trang chia sẻ video Youtube, cũng thuộc Google, cùng các công ty Apple và Facebook loại bỏ khỏi trang của họ một số nội dung của Infowars, trang web do Ales Jones, một chuyên gia về thuyết âm mưu, điều hành. Các nội dung của Jones cũng bị gỡ khỏi Twitter.

Ngoài việc nói cỗ máy tìm kiếm của Google tỏ ra “phân biệt đối xử”, ưu tiên hiển thị thông tin ”tiêu cực”, ông Trump còn nói công ty công nghệ này đã “giấu đi” những “bài báo công tâm” về ông.