Nhiều cây viết bình luận rằng, nhà lãnh đạo Mỹ đang vứt thẳng mồi lửa vào rừng khô.
Địa vị của Jerusalem là vấn đề hóc búa nhất trong những gì được coi là xung đột khó dập nhất thế giới. Đây là vấn đề đã làm hỏng không biết bao nỗ lực tạo dựng hoà bình ở khu vực trong nhiều thập kỷ qua. Cả người Israel và Palestine đều khẳng định Jerusalem phải là thủ đô của họ và điều này không thể mang ra đàm phán.
Thành phố cổ Jerusalem là nơi có địa điểm linh thiêng nhất trong Do Thái giáo và có đền thờ linh thiêng thứ ba trong Hồi giáo, vì thế những chuyển biến dù nhỏ nhất ở nơi này cũng sẽ được cảm nhận bởi hàng tỷ tín đồ. Đây là nơi các nhà ngoại giao phải học cách cư xử cực kỳ thận trọng. Đó là lý do chưa từng có chính quyền Mỹ nào, dù ủng hộ Israel đến đâu, dám thay đổi chính sách đối với Jerusalem trong gần 70 năm kể từ khi Israel thành lập.
Vì thế, việc Tổng thống Trump tuyên bố hôm 6/12 rằng sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ bắt đầu chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đang làm bùng lên tranh cãi dữ dội về điều mà cá nhân ông Trump và nước Mỹ sẽ đạt được sau một bước ngoặt chính sách đi kèm với rủi ro lớn. Những người phản đối nghi ngờ rằng, ông Trump có đang hành động trên nguyên tắc được duy trì lâu nay hay một chiến lược an ninh nhất quán, hay liệu ông đang quyết theo đuổi những mục tiêu cá nhân vào thời điểm ông cần thể hiện với những người đã bỏ phiếu cho mình rằng ông đang làm đúng những lời hứa tranh cử.
Bước đi này của Tổng thống Mỹ được đánh giá là có thể vấp phải nhiều trở ngại. Nhiều người lo ngại hành động của ông Trump sẽ châm ngòi cho những hành động bạo lực nhằm vào người Mỹ và các lợi ích của Mỹ cũng như gây đại hoạ ở Trung Đông, đặc biệt ở những nước có lãnh đạo ủng hộ chính phủ Mỹ. Lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem đã cảnh báo công dân Mỹ đề phòng các cuộc biểu tình sau khi người Palestine kêu gọi “3 ngày giận dữ” trên khắp Bờ Tây.
Theo các nhà bình luận, quyết định của ông Trump bất chấp can ngăn từ lãnh đạo các nước đồng minh ở Trung Đông và châu Âu có thể làm hỏng các quan hệ và mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ. Bước đi này có thể làm mất đi bất kỳ hy vọng nào còn sót lại rằng Mỹ có thể là bên trung gian trung thực trong những cuộc đàm phán hoà bình bế tắc giữa Israel và Palestine. Nó cũng có thể làm tiêu tan nỗ lực của con rể ông Trump là ông Jared Kushner nhằm làm sống lại tiến trình đối thoại Israel - Palestine. Trước những chỉ trích thẳng thắn từ Ả-rập Xê-út hôm 5/12, bước đi của ông Trump có thể khiến Ả-rập Xê-út khó công khai đứng cùng phía với Israel trong nỗ lực của Mỹ nhằm lập một liên minh mới chống Iran.
Động cơ chính trị
Ông Aaron David Miller, cựu chuyên gia đàm phán hoà bình Trung Đông cho các tổng thống cả hai đảng của Mỹ, cảnh báo trên CNN: “Jerusalem là một mồi lửa, chờ đợi một trận đấu”. Vậy vì sao ông Trump chấp nhận đi bước đi nhiều rủi ro chưa thể lường hết như vậy, đặc biệt là việc ông sẽ bị coi là người thổi bùng căng thẳng ở Trung Đông? Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông Trump chỉ ở mức 35% (theo kết quả khảo sát vừa được công bố) giới quan sát nêu ra một số động cơ chính trị.
Phóng viên Kevin Liptak của CNN bình luận hôm 5/12 rằng, Tổng thống Trump đang lo lắng việc mất cơ sở ủng hộ và đang đi những bước đi nhằm lấy lại hậu thuẫn của phe bảo thủ, như việc ủng hộ ứng viên Thượng viện Roy Moore dù ông này đang bị cáo buộc từng động chạm một cô bé 14 tuổi, tấn công tình dục một thiếu nữ 16 tuổi và tán tỉnh nhiều bé gái tuổi teen. Quyết định của Tổng thống Trump về Jerusalem cũng được đưa ra vào thời điểm ông đang chịu áp lực chính trị lớn khi chiến dịch điều tra về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đang động đến những nhân vật gần gũi nhất của người đứng đầu Nhà Trắng.
Tuyên bố sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem phù hợp với những gì ông Trump tuyên bố hồi đang tranh cử để lấy lòng các cử tri ủng hộ ông, các nhà tài trợ giàu có của đảng Cộng hoà và những người ủng hộ chính sách đối ngoại diều hâu. “Khi tôi trở thành Tổng thống, những ngày đối xử với Israel như công dân hạng hai sẽ kết thúc, ngay trong Ngày đầu tiên”, ông Trump nói tại hội nghị của Ủy ban quan hệ công chúng Mỹ - Israel năm ngoái. “Chúng tôi sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về thủ đô vĩnh hằng của người Do Thái - Jerusalem”, ông nói.
Các nhà quan sát cho rằng, ông Trump lâu nay xây dựng hình ảnh của mình dựa trên ý tưởng rằng ông có đủ can đảm để làm những việc mà các tổng thống trước không dám làm.