Theo lời ông Vũ Kỳ, ông Chiến là một thanh niên vạm vỡ, khỏe mạnh và tràn đầy nhiệt huyết. Những năm tuổi trẻ, trong phong trào cách mạng sục sôi, ông tham gia vào đội tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, đơn vị vũ trang đặc biệt trực thuộc Thành uỷ Hà Nội.
Khi được lựa chọn vào tổ giúp việc và bảo vệ Bác Hồ, như ông Vũ Kỳ nói, ông Chiến còn ở trong tổ thư ký chứ không phải chỉ là cận vệ đơn thuần. Ông cũng rất được Bác Hồ quý mến. Thời gian ở chiến khu, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33 thành lập Nha Thanh niên - Thể dục, đồng thời đăng tải lời kêu gọi toàn dân tập thể dục trên tờ Cứu quốc.
Trong lời hiệu triệu, Bác viết: “Dân cường thì quốc thịnh. Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe… Tự tôi ngày nào cũng tập”. Chúng ta thấy trong bức ảnh quý ghi lại hình ảnh Bác Hồ đang đánh bóng chuyền cùng các anh em cận vệ ở chiến khu Việt Bắc, ông Chiến là người đứng bên tay trái Bác.
Trong thời gian gần gũi Bác, được học tập, dạy dỗ, rèn luyện, sau khi thôi làm công tác cảnh vệ, ông Chiến được cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc, sau đó sang Liên Xô học tiếp về chuyên ngành sử. Năm 1960, ông chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn rồi làm Tổng cục trưởng tổng cục Thể dục Thể thao (nay thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Có thể nói ông là một nhà lãnh đạo có lý thuyết, có thực hành và có trí tuệ.
Với ông Chiến, tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là năm 1985, Đắk Lắk tổ chức lễ hội lớn kỷ niệm 10 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Rất nhiều hoạt động đã diễn ra như duyệt binh, đua voi với sự có mặt của nhiều lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Đại tướng Văn Tiến Dũng… Ông Chiến cũng có mặt.
Thời gian đó, tôi luôn có mặt và chứng kiến các hoạt động của ông Chiến. Ngay khi vào Đắk Lắk, ông lập tức gặp những người đứng đầu ngành thể thao, nắm chắc công tác tổ chức lễ hội và tìm hiểu kỹ tình hình thể dục thể thao của đồng bào. Từng làm công tác Đoàn, ông cũng dành cả buổi sáng để làm việc với Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tại phố Nguyễn Chí Thanh. Có mặt trong buổi làm việc đó, tôi thấy ông có những tư vấn, ý kiến chỉ đạo sâu sát để thúc đẩy hoạt động Đoàn Thanh niên sao cho hiệu quả và thiết thực.
Ông Tạ Quang Chiến, cận vệ cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đời ngày 11/6, hưởng thọ 98 tuổi. Dưới góc nhìn của nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu, ông Tạ Quang Chiến, người từng giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, vừa có tâm vừa có tầm.
Rồi ông lại dẫn đầu một đoàn, bao gồm tôi, lên tận buôn Đôn, tìm hiểu những chú voi được thuần hóa như thế nào, cuộc sống ra sao. Sau này ở cuộc đua voi, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin Nguyễn Văn Hiếu hết lời khen ngợi công tác tổ chức, một phần nhờ công sức của ông Chiến. Những ngày theo chân ông, tôi cảm phục cường độ làm việc, cung cách lãnh đạo mẫu mực của ông.
Sau này trở lại Hà Nội, tôi có cơ hội tiếp xúc với ông Chiến nhiều hơn. Vì yêu bóng chuyền, như đã thấy trong bức ảnh với Bác Hồ ở chiến khu, ông rất quan tâm tới môn thể thao này. Năm 1992, biết anh Nguyễn Thanh Thưởng là cựu thủ quân đội bóng chuyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự GANEFO 1963, ông Chiến nhiều lần tìm gặp, trao đổi làm thế nào để đẩy mạnh hoạt động bóng chuyền trong toàn dân, biến đây trở thành môn thể thao phổ biến ở Việt Nam.
Ông Chiến thực sự là một người vừa có tâm vừa có tầm, góp công lớn trong việc thúc đẩy thể dục thể thao của đất nước. Ngay cả khi tuổi đã cao, ông vẫn là tấm gương của tự rèn luyện, giữ gìn sức khỏe để cống hiến, xây dựng Tổ quốc như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy.