Ông Putin 'rút củi đáy nồi', chảo lửa Syria sẽ ra sao

Động thái rút quân đầy bất ngờ của Nga có thể khai thông bế tắc ở Syria, giúp cuộc chiến ở quốc gia này rẽ sang một hướng đi hoàn toàn mới.

Ngày 14/3, trong một tuyên bố khiến các nước phương Tây bất ngờ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay nước này sẽ rút "phần lớn các đơn vị quân đội" khỏi chiến trường Syria ngay lập tức, 6 tháng sau khi Nga mở chiến dịch can thiệp quân sự vào nước này.

Theo hãng thông tấn TASS, Putin tuyên bố ông hy vọng động thái rút quân này "sẽ trở thành động lực tốt cho các cuộc đàm phán" và "hướng dẫn bộ trưởng ngoại giao tăng cường vai trò của Nga trong việc tổ chức tiến trình hòa bình ở Syria". Giới phân tích cho rằng quyết định kiểu "rút củi đáy nồi" đầy bất ngờ này của Nga sẽ có những tác động sâu sắc lên diện mạo của chiến trường Syria sau 5 năm chiến tranh đẫm máu.

Phyllis Bennis, giám đốc Dự án Chủ nghĩa Quốc tế Mới tại Viện Nghiên cứu Chính sách, cho rằng quyết định rút quân này, cộng với cam kết ủng hộ giải pháp chính trị của ông Putin, có thể thúc đẩy các vòng đàm phán tại Geneva do Liên Hợp Quốc bảo trợ để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria, cũng như thỏa thuận chấm dứt hành động thù địch đang được thi hành ở quốc gia này.

Tuy nhiên tuyên bố rút quân của ông Putin không đồng nghĩa với việc Nga sẽ chấm dứt hoàn toàn hiện diện tại Syria. Tổng thống Nga nhấn mạnh căn cứ không quân Nga ở gần Latakia và căn cứ hải quân ở Tartus sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, được "bảo vệ chặt chẽ từ trên bộ, trên biển và trên không".

"Những binh sĩ Nga ở lại Syria sẽ tham gia vào hoạt động giám sát lệnh ngừng bắn", các nguồn tin Nga cho hay, đồng thời khẳng định phi công và nhân viên mặt đất của 50 chiếc chiến đấu cơ, trực thăng Nga tại các căn cứ ở Syria sẽ được đưa về nước.

Với việc rút phần lớn những khí tài, vũ khí hiện đại ra khỏi Syria, Nga đang xây dựng một nền tảng để có thể giảm bớt tính chất "chiến tranh ủy nhiệm" của cuộc xung đột đang diễn ra ở đất nước này, theo bà Bennis.

James Jay Carafano, chuyên gia cấp cao về nghiên cứu chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Quỹ Di sản, cho rằng ông Putin đã đạt được một thành công lớn trên phương diện ngoại giao, khi quyết định rút quân của ông được đưa ra rất hợp thời, hợp lý, mang lại những tác động tích cực cho cuộc chiến ở Syria.

Bằng chiến dịch can thiệp quân sự ồ ạt của mình, ông Putin đã đạt được mục đích đặt ra từ đầu, đó là củng cố được chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và giúp Nga có tiếng nói không thể thiếu trong tiến trình đàm phán hòa bình cho quốc gia này.

Theo ông Carafano, đây có thể là lúc ông Putin tuyên bố "nhiệm vụ đã hoàn thành", và đưa những người lính Nga trở về nhà toàn vẹn, dù họ đã trải qua quãng thời gian đầy thử thách ở Syria. Điều đó sẽ giúp ông Putin ghi điểm rất lớn trong lòng dân chúng, những người luôn tin vào các quyết sách đối ngoại của ông.

Chuyên gia này chỉ ra rằng ông Putin ra quyết định rút quân vào thời điểm IS vẫn đang đứng vững ở Syria, không bị tiêu diệt như những tuyên bố mà Nga đưa ra khi mở chiến dịch can thiệp quân sự ở nước này. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, mục tiêu diệt IS của Nga không còn quá cấp bách, bởi khi một giải pháp chính trị được thông qua cho mảnh đất này, IS sẽ không còn chỗ đứng.

Phần lớn các binh sĩ, khí tài Nga ở Syria sẽ được rút về nước. Ảnh: Sputnik

Giới quan sát cho rằng hành động rút quân của Nga đánh dấu một thời kỳ mới của tình hình chiến sự ở Syria, đó là khi những bế tắc bắt đầu được giải quyết bằng con đường đàm phán và ngoại giao, trong khi những biện pháp quân sự đang ngày càng tỏ ra vô ích và chỉ làm tình thế thêm nghiêm trọng.

Làm gương cho Mỹ

Điều trớ trêu là dù tuyên bố rút gần như toàn bộ lực lượng ra khỏi Syria, ông Putin lại trở nên mạnh hơn bao giờ hết trong mắt các quốc gia ở khu vực. Những quyết sách đúng lúc, đúng nơi của ông đang khiến Mỹ ngày càng trở nên giống như một đứa trẻ lạc đường trong khu rừng già hỗn độn mang tên Trung Đông, chuyên gia Carafano nhận định.

Rõ ràng, Nga đã nhận ra rằng để có thể giảm bớt bạo lực đẫm máu, giữ vững được lệnh ngừng bắn lâu dài và hướng tới một quá trình hòa bình khả thi để chấm dứt cuộc chiến cho Syria đòi hỏi nỗ lực lớn hơn rất nhiều so với các biện pháp quân sự. Nga đã chứng minh rằng họ đang tham gia vào nỗ lực lớn đó bằng việc rút quân, và trở thành tấm gương cho Mỹ và đồng minh có hành động tương tự, theo bà Bennis.

Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy quyết định rút quân của Nga đã được bàn bạc, phối hợp với Mỹ, dù phát ngôn viên Nhà Trắng cho hay ông Obama và ông Putin có thể thảo luận về vấn đề này.

Các chuyên gia phân tích cho rằng khi chứng kiến những gì Nga đang làm - và đang làm rất hiệu quả - Mỹ và đồng minh nên xem xét chính sách mới của mình, gây sức ép với các lực lượng ủy nhiệm của họ trên chiến trường để hướng tới mục tiêu chung là chấm dứt đổ máu.

Theo bà Bennis, điều đầu tiên mà Mỹ có thể làm để tham gia vào nỗ lực đó là rút bớt cố vấn quân sự, lính đặc nhiệm, chiến đấu cơ khỏi Syria. Tiếp theo, Lầu Năm Góc và CIA cần phải chấm dứt các chương trình huấn luyện và trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy ở Syria. Cuối cùng, Washington phải gây sức ép với các đồng minh trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, buộc họ chấm dứt hậu thuẫn cho các nhóm đối lập Syria, đảm bảo các nguồn vũ khí do Mỹ sản xuất sẽ không lọt được vào tay các nhóm phiến quân Hồi giáo.

Chuyên gia này chỉ ra rằng khi các động thái trên được thực hiện song song với quyết định rút quân của Nga, cuộc chiến ủy nhiệm đang bế tắc ở Syria sẽ được khơi thông, giúp Mỹ có thêm đòn bẩy lớn hơn để thúc giục cả Nga và Iran nỗ lực hơn nữa trong việc chấm dứt vũ trang cho quân đội chính phủ Syria.

Binh sĩ Nga ở căn cứ không quân Latakia. Ảnh: RT

Khi các cuộc đối đầu quân sự giảm bớt, người ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để ngồi vào bàn đàm phán. Sẽ không còn những tuyên bố "xóa sổ", "tiêu diệt" hay "hạ bệ" nữa, mà thay vào đó là những thương thảo về một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình, đưa Syria ra khỏi tình trạng nội chiến và chỉ còn một đối thủ duy nhất là các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan.

"Trong thời gian quá lâu, Nga và Mỹ đã cùng ra sức đọ cơ bắp và leo thang cuộc chiến không có hồi kết ở Syria. Bây giờ là cơ hội hiếm hoi để họ có thể gia tăng nỗ lực của mình nhằm chấm dứt nó", bà Bennis nhấn mạnh.

Theo Theo VnExpress