Ông Putin hóa giải ma trận Ukraine thế nào?

TP - Tình hình Ukraine hiện nay chẳng khác nào một ma trận xuất phát từ sự lỡ trớn của phương Tây, do những ảo vọng và tính toán nhầm. Sai lầm nghiêm trọng đầu tiên của Mỹ và EU là không hiểu hết về tính cách Nga.
Ông Putin hóa giải ma trận Ukraine thế nào?

Lịch sử nhiều lần cho thấy, khi dân tộc Nga bị đẩy vào thế “sau lưng là Mátxcơva”, dứt khoát Nga sẽ không bao giờ lùi bước, dù cái giá phải trả đắt bao nhiêu chăng nữa. Sai lầm chết người nữa của phương Tây là hết lần này đến lần khác khiến Nga vỡ mộng, để Nga rốt cuộc ngộ ra rằng, dù có cố gắng chân thành đến mấy, phương Tây cũng không bao giờ coi Nga như bạn bè thật sự.

Phương Tây càng nhầm to về phản ứng của Nga khi xảy ra chính biến Maidan lật đổ ông Viktor Yanukovych. Khi đó, một tờ báo lớn của Pháp đã bình luận “không rõ ông Putin sẽ nuốt nhục thế nào khi bị tát vào mặt đau như vậy?”. Tổng thống Nga Vladimir Putin không để họ phải chờ lâu với chiêu “tiện tay dắt dê” ngoạn mục ở Crimea và giờ đây tiếp tục giữ “cửa trên”.

EU và Mỹ không có cửa thắng trong cuộc đấu này, bởi đơn giản phần lớn cư dân miền đông nam Ukraine không phải người Ukraine, mà đúng hơn họ là những công dân thời Liên Xô, với họ, biên giới giữa Nga và Ukraine chỉ là ranh giới hình thức trên bản đồ. Nếu người Ukraine không chiến đấu vì Ukraine thì hy vọng phương Tây sẽ chiến đấu vì Ukraine là một ảo tưởng.

 Không chỉ “việt vị” trước Nga, Mỹ và EU còn bị hố lớn khi đánh giá tình hình Ukraine. Họ quá tin tưởng vào phong trào Maidan và phe đối lập vốn chỉ là một tập hợp hỗn tạp, quy tụ cả lực lượng cực hữu phát xít. Thật khó lòng bao biện cho một chính quyền được dựng lên vội vã bằng bạo loạn đường phố thay vì qua lá phiếu. Hy vọng hiệu triệu dân chúng ủng hộ chính quyền Kiev tan biến và thực tế quyền lực của chính quyền trung ương ở miền đông nam đang tan chảy vì không thu phục được lòng dân. Kể từ sau Maidan, nhất là vụ thiêu chết 42 người tại Odessa, Ukraine không bao giờ còn như trước nữa.

Càng đau hơn khi chính sản phẩm của phương Tây là các cuộc cách mạng sắc màu giờ lại nổi lên khắp Ukraine, nhưng theo chiều ngược lại. Chính quyền Kiev lộ rõ sự bất lực và yếu ớt trong việc ngăn chặn bạo lực lan rộng và chứng kiến quyền lực dần tuột khỏi tay mình. Chiến dịch “chống khủng bố” cho thấy Kiev có vẻ không điều khiển được quân đội Ukraine và tiếng nói của họ cũng không có trọng lượng với các lực lượng an ninh và cảnh sát.

Việc sử dụng lực lượng cực hữu Right Sector đội lốt vệ binh cộng hòa trấn áp dân chúng miền đông càng khơi dậy nỗi ám ảnh chủ nghĩa phát xít. Lực lượng Right Sector ngày càng lộ rõ là một đám kiêu binh có nguy cơ biến chính quyền Kiev thành con tin.

Việc lớn cơ bản đã xong, ông Putin chẳng dại gì đưa quân vào Ukraine để sa vào bãi lầy như Mỹ muốn. Cuộc bầu cử tổng thống Ukraine ngày 25/5 tới chắc chắn không có hậu khi đã bị Nga xem là “lố bịch”. Trước việc Mỹ đang rất muốn tìm lối thoát giữ được thể diện và EU không muốn bị Mỹ biến thành kẻ bung xung “tự vác đá ghè chân mình”, ông Putin chỉ cần chờ đợi cũng “bất chiến tự nhiên thành”. Trường hợp xấu nhất buộc Nga phải động binh, nhiều khả năng sẽ là một cuộc chiến chớp nhoáng rồi rút ngay.

Ukraine khó thoát khỏi viễn cảnh trở thành một nhà nước liên bang nếu không muốn bị rơi vào nội chiến. Tờ Der Spiegel (Đức) vừa khuyên rằng, nếu tương lai Ukraine bị phân rã, phương Tây không nên tìm cách ngăn cản. Chẳng ai bị thiệt hại nếu đông Ukraine hướng về Nga, còn tây Ukraine thân EU. Spiegel kết luận trước khi điều tồi tệ nhất xảy đến, EU nên khôn ngoan rút lui.