'Ông lớn' bán lẻ Hapro sắp đổi chủ?

TPO - Phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng 30/3 tới với mức giá khởi điểm 12.800 đồng/cổ phần, Tổng Công ty Hapro sắp có 'chủ' mới.
Tổng Công ty Hapro được biết đến là doanh nghiệp đang quản lý rất nhiều khu đất vàng, mặt bằng thương mại ở trung tâm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn khác.

Ngày 30/3 tới đây, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà nội (Hapro) sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 75,9 triệu cổ phần, tương đương 34,51% vốn điều lệ sau cổ phần hóa với mức giá khởi điểm 12.800 đồng/cổ phần.

Theo phương án cổ phần hóa thì sau IPO vốn điều lệ của Hapro là 2.200 tỷ, trong đó có 65% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược. Nhà nước nắm giữ 0% vốn điều lệ. Còn 1.074.000 cổ phần (tương đương 0,49% vốn điều lệ) dành để bán cho cán bộ công nhân viên. 143.000.000 cổ phần (tương đương 65% vốn điều lệ) bán cho nhà đầu tư chiến lược và 75.926.000 cổ phần, tương đương 34,51% vốn điều lệ sẽ được bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư qua Sở GDCK Hà Nội.

Ai sẽ trở thành người nắm giữ quyền lực với doanh nghiệp đang sở hữu số lượng đất vàng tại Hà Nội và các tỉnh thời gian tới?  Được biết, trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định cho phép công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco), thuộc tập đoàn BRG của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, tham gia mua 65% cổ phần qua đó trở thành cổ đông chiến lược của Hapro.

Sau phiên IPO vào ngày 30/3/2018, thương vụ trên nhiều khả năng sẽ hoàn tất và Hapro sẽ chính thức đổi chủ. Với mức giá khởi điểm 12,800 đồng/cp, theo tính toán, số tiền tập đoàn BRG phải bỏ ra vào khoảng 1.800 tỷ đồng

Hiện theo Bản công bố thông tin của Hapro, trước cổ phần hóa Tổng công ty đang quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất. Sau cổ phần hóa, Công ty cổ phần tiếp tục quản lý sử dụng 114 địa điểm, trong đó có 96 cơ sở nhà, đất tại Hà Nội.

Có 32 địa điểm cơ sở nhà, đất Hapro ký hợp đồng thuê nhà đất với Nhà nước thì không tính giá trị tài sản trên đất và đất thuê vào giá trị doanh nghiệp, phần diện tích Hapro xây dựng thêm được xác định vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Có 64 địa điểm có tài sản nhà là tài sản của doanh nghiệp, đất thuê của Nhà nước. Trong đó có dự án 11B Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm không tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, đã tính vào giá trị vốn góp của Hapro tại CTCP Khách sạn Tràng Thi (đang nắm giữ 30%). Hiện Hapro đang đứng tên thuê đất, có trách nhiệm phối hợp với CTCP Khách sạn Tràng Thi và Sở TNMT Hà Nội để hoàn tất thủ tục đất đai, đầu tư dự án khách sạn tại 11B Tràng Thi.

Cũng theo cáo bạch này thì giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa của Hapro tại ngày 30/6/2016 đạt hơn 4.043 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.155 tỷ đồng. (Mức định giá hiện vẫn gây tranh cãi khá nhiều trong giới đầu tư bởi mức giá được cho là chưa xứng với tầm và giá trị thực của doanh nghiệp).

Hapro là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 2004, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, trên cơ sở sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thương mại của Thành phố Hà Nội.

Trong đó Công ty Sản xuất dịch vụ và Xuất nhập khẩu Nam Hà Nội trực thuộc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương Hà Nội) đảm nhiệm chức năng Công ty mẹ - Tổng công ty. Hiện nay Hapro có 10 công ty con, 20 công ty thành viên liên kết và có đầu tư góp vốn tại 11 công ty khác. Hapro hoạt động trên 03 lĩnh vực kinh doanh chính là Kinh doanh xuất nhập khẩu, Thương mại nội địa và Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại.