> 'Người điên' trên đường thiên lý
Sau 2 tháng 18 ngày, ông Hồ Ngọc Khiết đến Hà Nội. Vượt hơn hai nghìn cây số vẫn vững chãi, nhưng vào lăng viếng Bác, đôi chân ông cứ run run. Sáng 19-5 ở lăng Bác, nhiều người nhìn mãi ông già râu dài trắng như cước, đội mũ tai bèo, mang ba lô, mặc quân phục...
Trong số đó có bà Lady Borton, một nhà văn người Mỹ dành gần như cả đời mình để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Lady Borton đã sống hàng chục năm ở Hà Nội, nói tiếng Việt rất thạo và có tên Việt Nam là Lý.
Sáng ấy, sau khi vào lăng viếng Bác, bà Lý tình cờ bắt chuyện với ông Hồ Ngọc Khiết. Rồi bà ồ lên khi biết ông Khiết đi bộ xuyên Việt gần ba tháng trời để hôm nay có mặt ở lăng Bác. Câu chuyện giữa ông già ở Tây Nguyên và người phụ nữ Mỹ cứ thế tuôn trào.
Bà Lý nắm lấy tay ông Hồ Ngọc Khiết, thốt lên: “Tôi đã viết mấy cuốn sách về đất nước và con người Việt Nam nhưng ông là một người Việt đặc biệt thú vị mà tôi từng gặp. Thường thì người ta đi bộ hay đi xe đạp xuyên Việt, họ sẽ nhận được một sự tài trợ và sẽ thông báo để báo chí quan tâm đưa tin. Ông không như vậy.
Ông cứ lầm lũi đi, để thực hiện khát vọng của mình, chặng đường tưởng như quá dài với cả vận động viên Marathon, nhưng tôi biết ông không hề “ăn gian” một bước chân. (Người phụ nữ người Mỹ nói tiếng Việt đã nhấn mạnh từ “lầm lũi”). Đó là điều rất đáng khâm phục và thế giới cũng ít người như thế. Tôi đã nói với ông là sẽ muốn cùng ông một lần đi xuyên Việt bằng xe máy”.
Cuộc gặp giữa bà Lady Borton với ông lão đi bộ xuyên Việt Hồ Ngọc Khiết hôm ấy đã được thu vào ống kính truyền hình của VTV1, và phát sóng trên chương trình thời sự tối 19 tháng 5.
72 năm vẫn chạy tốt
Ông Khiết không được xem phóng sự ấy vì vào giờ đó ông phải đi bộ tìm chỗ ngủ. Ông đến một nhà khách của quân đội xin ngủ nhờ, nhưng sau khi đứng chờ một tiếng đồng hồ thì nhận được câu trả lời: “Nhà khách chỉ dành cho những quân nhân đang tại ngũ”. Lại đi bộ tìm chỗ ngủ khác.
Đi mãi rồi ông cũng được một giám đốc nhà khách của Bộ Quốc phòng sắp xếp cho một phòng nghỉ. Ông muốn ở lại khám phá Hà Nội nhưng hết tiền. Sau khi mua một vé tàu và một đôi dép, trong túi ông chỉ còn lại vài chục nghìn đồng lộ phí. Lão nông đành từ biệt Hà Nội, bước lên tàu mà lòng đầy quyến luyến.
Tàu sắp chạy tới ga Thanh Hóa, điện thoại di động của ông rung lên. Chị Hiền - một phụ nữ ở Hà Nội sau khi xem phóng sự trên VTV1 đã xúc động trước hình ảnh ông Hồ Ngọc Khiết đi bộ xuyên Việt nên muốn mời ông quay lại Hà Nội để được gặp mặt. Chị Hiền liên lạc được với ông Khiết và cho người đón xuống ga Thanh Hóa.
Lúc xuống ga Thanh Hóa đã 12 giờ đêm. Hôm sau đúng ngày cử tri cả nước đi bầu cử Quốc hội, ông Khiết cũng nôn nao muốn thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Được chính quyền địa phương cho phép, ông đã bỏ phiếu ở phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa.
Nhận ra ông lão đi bộ xuyên Việt vừa xuất hiện trên VTV1, thầy hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Đức Thiện mời ông tới giao lưu với sinh viên. Hôm ấy, câu chuyện xuyên Việt được kể lại mộc mạc khiến nhiều sinh viên quây lấy lão nông xin chữ ký và chụp ảnh cùng như thể một ngôi sao đang hot về trường. Sau đó, ông Khiết lên đường ra lại Hà Nội.
Giữa trưa nắng, nhưng khi tôi bước vào ngôi biệt thự ở làng Quốc tế Thăng Long có cảm giác mát lạnh, bắt gặp ông lão râu dài quắc thước đang ngồi trên ghế sopha. Ông Khiết ở nhà chị Hiền đã được hai hôm.
“Tôi rất xúc động khi biết câu chuyện ông lão 72 tuổi đi bộ xuyên Việt. Tôi khâm phục ý chí nghị lực của ông và muốn đón ông trở lại Hà Nội để bày tỏ tình cảm của mình” - chị Hiền nói.
Chị đã biếu ông một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng và đặt vé VIP để vài ngày nữa ông về TPHCM.
Bây giờ thì ông được ô tô chở đi thăm hồ Gươm, con đường gốm sứ và vào khu di tích ở Phủ Chủ tịch.
Đi giữa đường phố Hà Nội, có người phụ nữ bán hàng rong nhận ra ông, cầm 5 nghìn đồng nhàu nát, đưa hai tay: “Con biếu cụ đi đường uống nước”. Ông không nhận vì thương chị nghèo, nhưng chị nài nỉ: “Cụ cầm đi cho con vui. Con không nghĩ thời buổi này lại có người như cụ”.
Tôi lật giở cuốn nhật ký đi đường của ông Khiết và bắt gặp nhiều dòng lưu bút mà người dân nơi ông đi qua ghi lại.
“Bác là biểu hiện của ý chí, của sự kiên trì và quyết tâm của con người. Nhờ bác, cháu biết không có gì là không thể làm được, không có con đường nào là không thể tới đích. Bác sẽ cảm nhận được sự thân thiện của những con người ở vùng đất mà bác đã đi qua” (Trần Thị Hương - Thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị).
“Thật là hiếm thấy, ngày nay mọi người đều đang lo làm giàu thì bác lại làm một việc mà chỉ những người có nghị lực và tấm lòng trong sáng mới thực hiện được” (Trần Văn Thành, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).
Cuốn nhật ký còn có rất nhiều dấu triện đỏ chót. Đi qua địa phương nào, ông Khiết cũng thường đến xin chính quyền đóng dấu vào sổ để làm kỷ niệm.
Ở nhà chị Hiền, có chút thời gian, ông Khiết viết giấy gửi VTV3 xin tham gia chương trình “Chiếc nón kỳ diệu”. Ông giới thiệu về mình như sau: “Yêu lao động bởi tránh được ba thứ: nhàn cư vi bất thiện, thất nghiệp và nghèo đói; Yêu cái đẹp nhưng chủ yếu là vẻ đẹp tâm hồn; Sở trường: làm thơ, nhưng chủ yếu là thơ phong trào. (Ở ta người người làm thơ nhưng rất ít người nhận thơ mình là thơ phong trào như ông Khiết).
Trong cuốn sổ của ông, tôi đã đọc nhiều “thơ phong trào” như thế này: “Trưa nay dưới gốc si; Bên đường xe ngựa đi; Giờ đang gặp thế bí; Tôi móc võng nằm ỳ; Mỏi mệt tôi ngủ khì; Mặc kệ ai nói chi”.
Bài thơ giao vần “i” gợi cảm giác khác bộ hành có vẻ ì, nhưng ông Khiết cười bảo: “Tôi 72 năm vẫn chạy tốt đấy, chưa bao giờ ì cả”. Sang năm tôi rất muốn đi xe máy xuyên Việt, với bà Lý đấy (Lady Borton). Tôi đã ước hẹn với bà ấy sang năm xuyên Việt bằng xe máy”.
Đó là chuyện của năm tới, còn ngày mai, lão nông đi bộ xuyên Việt này sẽ lên máy bay về nhà!
Hà Nội, 26-5-2011