'Ông già ô-zôn' lý giải chuyện cô bé làm đồ vật cháy
> Gia đình cầu cứu, khoa học bó tay vụ cháu bé phát cháy
TS Nguyễn Văn Khải (còn được gọi là "ông già ô-zôn") cho biết: “Nếu cô bé ngồi trên ghế mà ghế cháy thì đầu tiên phải cháy quần áo cô bé. Muốn cháy được thì mông và đùi cô bé cực kỳ nóng”.
TS Khải cho biết, do chưa nhìn thấy cô bé, chưa ở hiện trường và ở cùng cô bé vài ngày nên chưa thể có nhận xét chính xác được.
Nhưng ông khẳng định: “Xét về các hiện tượng đã xảy ra thì nó thuộc hiện tượng Lý – Hóa cho nên phải tuân theo các định luật vật lý và hóa học".
"Tôi khẳng định nội năng của cơ thể cô bé không đủ để làm cháy dù là một que diêm trước mặt hay ngồi lên, trong điều kiện nhiệt độ phòng và không chịu tác dụng của các hóa chất khác”.
Lý giải về năng lượng phát ra từ cơ thể người, TS Khải phân tích: Trước hết ta thấy trong cơ thể con người, máu luôn lưu thông, các Ion trong máu tạo ra dòng điện, dòng điện đó tạo ra từ trường. Mà con người cử động nên tạo ra điện từ trường.
Điện từ trường này có năng lượng vô cùng nhỏ không thể làm cháy được quần áo hoặc các công tắc điện bằng nhựa cũng như ghế ô tô khi ngồi lên.
Xét về mặt vật lý, nhiệt bao giờ cũng truyền từ chỗ cao tới chỗ thấp và phải có vật truyền nhiệt và vật hấp thu nhiệt. Quần áo, công tắc, vỏ nhựa không thể cháy được nếu năng lượng được truyền từ người qua không khí tới chúng.
Năng lượng cũng có thể được truyền bằng bức xạ, nhưng mắt cô bé cũng không thể tạo ra được các tia bức xạ đủ để các đồ vật xung quanh bốc cháy.
“Hơn nữa nếu như cô bé ngồi trên ghế mà ghế cháy thì đầu tiên phải cháy quần áo cô bé. Muốn cháy được thì mông và đùi cô bé cực kỳ nóng”, TS Khải lập luận.
Ông cũng cho biết: “Cả cuộc đời tôi, các công trình khoa học của tôi ở Học viện quân sự Vác-sa-va (Ba Lan) là chế tạo các đầu đo hồng ngoại. Tôi chưa bao giờ đo được cơ thể người 43 độ C để phát ra bức xạ hoặc cung cấp nhiệt làm cháy ghế mà không cháy quần áo”.
“Và với năng lượng cơ thể con người lại càng không thể tạo ra hiện tượng ngồi tầng trệt nhưng cháy ở lầu hai như tôi được nghe kể. Nếu lầu hai cháy thì ở tầng trệt phải cháy trước. Vì khi có tia phóng xạ phát ra thì vật ở gần bao giờ cũng bị phá hủy, tác dụng trước. Sau đó, các vật ở xa mới bị tác dụng tiếp theo”.
TS Khải phân tích lại một số hiện tượng lạ tương tự: Trường hợp đầu tiên là người tự phát sáng khoảng năm 1996 – 1997 nhưng rồi chỉ cần cho tắm và nhốt riêng là hết. T
rường hợp thứ hai là hiện tượng “cậu Tứ” ở Quảng Nam phóng chưởng chữa bệnh. Sau khi bị công an xét hỏi thì người bị phóng chưởng ngã thực ra là “cò”.
Cô gái tóc bốc khói tại Nam Định cũng cho đi viện là hết và “khi có mặt tôi và những người khác thì chẳng có hiện tượng gì xảy ra”. Hiện tượng ở Thái Bình quần áo trong nhà bốc cháy đã có nguyên nhân là do bị hắt axit. Cháu bé ở Quảng Nam đi đến đâu cháy đến đấy đã khai với công an là tự đốt…
“Từ những cơ sở trên tôi cho rằng nội năng của cơ thể cô bé không thể đủ để bốc cháy vật nào xung quanh nếu không có tác động khác. Và, theo định luật bảo toàn năng lượng thì không thể có hiện tượng này xảy ra”, TS. Khải nhấn mạnh.
Theo Vũ Chương
Bee.net.vn