Ông Đinh La Thăng và đồng phạm 'rót' 800 tỷ vào OceanBank như thế nào?

TPO - Ngày 19/3, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử vụ thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đối với bị cáo Đinh La Thăng và 6 đồng phạm.
Bị cáo Đinh La Thăng trong phiên tòa xử vụ thất thoát tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cùng 6 đồng phạm đều bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh – nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN bị truy tố thêm về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Diễn biến vụ án cho thấy, PVN từng có 1 ban trù bị để thành lập tổ chức tín dụng riêng là ngân hàng Hồng Việt nhưng sau đó việc này bị Thủ tướng Chính phủ bác bỏ. Vì vậy, Nguyễn Xuân Sơn – nguyên trưởng ban trù bị ngân hàng Hồng Việt (sau làm Phó TGĐ PVN) điện thoại cho Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OceanBank, ngỏ ý PVN muốn rót vốn vào ngân hàng.

Qua tìm hiểu, ngày 18/9/2008, bị can Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Phó TGĐ PVN (sau làm Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam SBIC) gửi văn bản cho ông Thăng, nêu rõ OceanBank là ngân hàng nhỏ, thanh khoản thấp, gặp khó khăn trong việc huy động vốn…

Cùng ngày, dù không lấy ý kiến các thành viên trong Hội đồng quản trị (sau là HĐTV) nhưng bị cáo Đinh La Thăng ký với Hà Văn Thắm Thỏa thuận PVN góp 20% vốn điều lệ vào OceanBank. Phải tới ngày 30/9/2008, ông Thăng mới triệu tập HĐQT, cho Nguyễn Xuân Sơn thông báo việc được OceanBank mời tham gia góp vốn.

Việc này chưa được Thủ tướng cho phép nhưng bị cáo Thăng vẫn ký Nghị quyết về việc góp vốn. Phải tới ngày 17/10/2008, Văn phòng Chính phủ mới có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng đồng ý về chủ trương, còn trình tự thủ tục do các bộ, ngành chuyên môn hướng dẫn PVN thực hiện.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động, các khoản cho vay, giá trị thực cổ phiếu của OceanBank… Tuy nhiên, PVN im lặng, không trả lời và chuyển luôn 400 tỷ đồng để mua 20% cổ phần của OceanBank.

Tới năm 2010, ông Đinh La Thăng và các đồng phạm tiếp tục đồng ý việc nâng vốn điều lệ của OceanBank từ 2.000 lên 3.500 tỷ đồng, PVN góp thêm vốn để giữ mức sở hữu 20% vốn điều lệ.

Việc này cũng không được PVN báo cáo Chính phủ và sau khi có nghị quyết về việc góp vốn, ông Đinh La Thăng mới xin ý kiến Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ yêu cầu PVN cần đảm bảo vốn cho các dự án thuộc ngành nghề kinh doanh chính, không nhất thiết phải nắm 20% vốn tại OceanBank… Tuy nhiên, sau đó PVN vẫn tiếp tục chuyển 300 tỷ đồng của PVN vào OceanBank.

Năm 2011, Luật các tổ chức tín dụng bắt đầu có hiệu lực, quy định “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng”. Tuy vậy, ông Thăng không những không thoái vốn tại OceanBank mà ký văn bản giao Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank với tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

Cùng lúc đó, Nguyễn Xuân Sơn gửi văn xin ý kiến các thành viên HĐTV PVN về việc góp thêm vốn vào OceanBank nhằm giữ mức sở hữu 20% cổ phần khi Hà Văn Thắm đang tăng vốn điều lệ cho ngân hàng.

Có 4/7 thành viên HĐTV PVN đồng ý việc tăng vốn, cụ thể góp thêm 100 tỷ đồng vào OceanBank. Lúc này, ông Đinh La Thăng đi công tác nên không có ý kiến. Tuy nhiên, bị cáo Vũ Khánh Trường khai nhận khi được bị cáo Thăng ủy quyền điều hành, ông đã báo cáo việc tăng vốn nhưng ông Thăng không phản đối, đồng ý thực hiện.

Tổng cộng, PVN đã góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank để nắm giữ 20% vốn điều lệ của ngân hàng. Số tiền này đã bị “mất trắng” khi OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc – quyền và nghĩa vụ cổ đông của PVN tại đây chấm dứt.

Theo cơ quan tố tụng, ông Đinh La Thăng và các đồng phạm gồm Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Sơn và các thành viên HĐTV là Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức phải chịu trách nhiệm với hậu quả trên. Trong đó, ông Thăng có trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý và bảo toàn vốn của PVN.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh tại phiên sơ thẩm vụ Oceanbank.

Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn từng khai đưa 69 tỷ đồng cho Ninh Văn Quỳnh để nhờ cảm ơn lãnh đạo PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank. Từ năm 2010 – 2014, cứ 45 ngày ông Sơn lại lấy 5 tỷ đồng từ OceanBank đưa cho ông Quỳnh.

Ninh Văn Quỳnh bác bỏ lời khai trên, nói mình chỉ nhận khoảng 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn. Ông Quỳnh biết rõ đây là tiền của OceanBank “cảm ơn” mình vì đã tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo PVN đưa ra các chủ trương có lợi cho OceanBank… Và thực tế, trong thời gian PVN góp vốn vào OceanBank, lượng tiền của ngành dầu khí tại ngân hàng này rất lớn, dao động từ 18.000 – 20.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị can Nguyễn Ngọc Sự cũng bị khởi tố, điều tra liên quan việc nhận “lãi ngoài” từ OceanBank trên vai trò Chủ tịch SBIC. Theo điều tra, ông Sự có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc dùng tiền của SBIC gửi vào OceanBank để một số cá nhân nhận, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất.

Phiên xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại PVN khi đổ 800 tỷ vào Ocenbank tại TAND Hà Nội mở sẽ mở ngày 19/3 và dự kiến kéo dài hết ngày 29/3.

Bảy người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999), gồm: ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN), Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh (cựu phó tổng giám đốc PVN), Nguyễn Xuân Thắng (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Nguyễn Thanh Liêm (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Vũ Khánh Trường (64 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Phan Đình Đức (58 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN).

Riêng ông Quỳnh thêm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự 1999)