Ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm do nóng vội 'đốt cháy giai đoạn'

TPO - “Có trách nhiệm người đứng đầu PVN cũng như dự án Thái Bình 2. Bị cáo nhìn lại dự án trong bối cảnh 10 năm trước, do sức ép nên bị cáo có lúc nóng vội, chỉ đạo nhanh, đốt cháy giai đoạn, bị cáo xin nhận trách nhiệm” - ông Đinh La Thăng trình bày trước Hội đồng xét xử, sáng 9/1.
Ông Đinh La Thăng trả lời Hội đồng xét xử. Ảnh: TTXVN.

Sáng nay, 9/1, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội bắt đầu xét hỏi ông Đinh La Thăng về lý do chỉ định thầu cho PVC. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh được cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa sang phòng cách ly trong khi ông Thăng trả lời Tòa. 

Chỉ định thầu cho PVC để "đảm bảo tiến độ"

Khi được Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi về việc tại sao lại chỉ định PVC làm tổng thầu, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, Hội đồng thành viên làm việc, có các ban ngành giúp việc, các ban ngành đều báo cáo PVC có đủ năng lực. Căn cứ báo cáo của chủ đầu tư, của Tổng giám đốc nên ông Đinh La Thăng quyết định giao cho PVC làm tổng thầu theo đúng quy định.

Lý giải vì sao trong nghị quyết đã nêu PVC là tổng thầu liên doanh nhưng tại một công văn khác lại chuyển đổi thành chỉ có PVC được chỉ định thầu, bị cáo Đinh La Thăng trình bày: “Thầu và liên doanh tổng thầu có những điểm khác nhau, đối với liên doanh tổng thầu vẫn do PVC làm chủ nhưng phần của nước ngoài thì do nước ngoài làm. Căn cứ vào quá trình thực tế trước đó đã từng liên kết nhưng không đảm bảo, nên tôi quyết định giao cho PVC làm tổng thầu”.

HĐXX đưa ra các luận cứ cho thấy việc khởi công Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi thiếu các thủ tục cần thiết theo quy định, ông Đinh La Thăng lý giải, mỗi năm thực hiện hàng chục dự án, vì vậy để đảm bảo tiến độ, các đơn vị phải thực hiện đồng thời các công việc, không thể chờ xong việc này mới làm việc khác.

Giải trình về Hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện tại sao vẫn cho triển khai, ông Đinh La Thăng cho rằng thời điểm đó chưa biết gì về hợp đồng 33.

Ông Thăng không được báo cáo về Hợp đồng 33 

Tiếp đó, HĐXX đã gọi một số bị cáo trong vụ án lên đối chất với lời khai của ông Thăng.

Bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 nêu rõ, đã có báo cáo về việc hợp đồng số 33 không đủ điều kiện để tạm ứng tiền. "Tuy nhiên, ông Thăng nói với tôi rằng, tuần sau các ông phải làm thế nào để chuyển tiền cho PVC", bị cáo Vũ Hồng Chương khai. Trước trả lời của Vũ Hồng Chương, ông Đinh La Thăng không có phản hồi.

Chủ tọa tiếp tục hỏi ông Đinh La Thăng tại sao hợp đồng EPC số 33 sai mà cho ứng tiền? Ông Thăng khẳng định, ông không biết gì về hợp đồng 33. Tòa gọi bị cáo Ninh Văn Quỳnh – nguyên Trưởng ban Tài chính, kế toán và Kiểm toán PVN lên đối chất. Ông Quỳnh thừa nhận có báo cáo hợp đồng 33 có thiếu sót với Nguyễn Xuân Sơn nhưng không báo cáo ông Thăng. Việc chi tiền tạm ứng cũng nhận chỉ đạo của ông Sơn, chỉ có một công văn có bút phê của lãnh đạo PVN.

Tiếp đó, bị cáo Vũ Hồng Chương – nguyên trưởng BQLDA Thái Bình 2 lên đối chất, nói: “Cuộc họp tháng 3/2011, ông Thăng có chỉ đạo BQLDA rà soát lại hợp đồng đã ký, cần thiết ký lại hợp đồng với PVC. Cuộc họp sau đó, ông Thăng đề nghị tạm ứng 10% theo hợp đồng EPC 33”.

Ông Chương khẳng định thêm: “Bị cáo từng được ông Thăng mời lên làm việc, phàn nàn tại sao làm văn bản không chuyển tiền cho PVC. Bị cáo nói hợp đồng 33 không phù hợp nên đề nghị có hướng dẫn BQLDA thực hiện. Hôm đó, có anh Khánh và anh Sơn được anh Thăng gọi lên làm việc cùng”. Đáp lại, ông Thăng trả lời tôn trọng ý kiến của ông Chương, và không có ý kiến gì thêm.

Tương tự, Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó TGĐ PVN khai, ông Thăng có chỉ đạo rà soát hợp đồng số 33. Tháng 5/2011, PV Power mới bàn giao tài liệu, mới biết hợp đồng thiếu những gì.

Nhận trách nhiệm do nóng vội

Thẩm phán đặt câu hỏi tại sao ngày 31/5/2011 mới biết hợp đồng thiếu mà ký hợp đồng với PVC trước đó? Ông Khánh trả lời, ký hợp đồng theo thủ tục rồi hoàn thiện sau và hợp đồng 4191 (giữa PVN và PVC) chỉ chuyển đổi chủ thể, không làm thay đổi nội dung tính pháp lý của hợp đồng 33. Với nội dung cũ như vậy, không đủ điều kiện để tạm ứng. Quay lại bục khai báo, ông Thăng khẳng định việc chỉ định PVC là tổng thầu Thái Bình 2 là chủ trương đúng, có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy vậy, ông Thăng thừa nhận trách nhiệm bản thân: “Có trách nhiệm người đứng đầu PVN cũng như dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Bị cáo nhìn lại dự án trong bối cảnh 10 năm trước, do sức ép nên bị cáo có lúc nóng vội, chỉ đạo nhanh, đốt cháy giai đoạn, bị cáo xin nhận trách nhiệm”.

Theo cáo buộc, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (dự án Thái Bình 2), bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng 6.6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng; chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng.