Bị điều tra mới biết hợp đồng thiếu sót
Chiều 10/1, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử các bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 21 đồng phạm về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.
Theo cáo trạng, PVN giao cho Tổng Cty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. PV Power sau đó ký hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp, xây dựng – tương tự hợp đồng “chìa khóa trao tay” – PV) số 33 với Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Ngày 1/3/2011, dự án Thái Bình 2 được khởi công và PVC xin ứng tiền nhưng PV Power không đáp ứng. Cáo trạng xác định, để tạo điều kiện cho PVC hoạt động, ông Đinh La Thăng đã yêu cầu PV Power ký hợp đồng EPC số 33 nói trên trái quy định. Sau đó, ông Thăng chuyển chủ đầu tư từ PV Power về PVN để ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng dù hợp đồng trái pháp luật.
Trả lời câu hỏi của luật sư Trần Hồng Phúc, ông Đinh La Thăng khai, khi quyết định cho PVPower là chủ đầu tư, triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật; việc triển khai đã do TGĐ phân công Phó TGĐ cụ thể thực hiện… HĐTV PVN có nhận báo cáo của PVPower thể hiện đã đầy đủ điều kiện để ký hợp đồng EPC số 33 xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Ông Thăng cũng khẳng định, chỉ khi CQĐT làm việc mới biết hợp đồng EPC số 33 của Thái Bình 2 thiếu căn cứ pháp lý. “Để khởi công dự án có nhiều việc phải làm trong đó có ký hợp đồng… Bị cáo chỉ được báo cáo bằng văn bản là tất cả điều kiện để khởi công dự án đều đầy đủ thì bị cáo đồng ý” – ông Thăng nói.
Tổng giám đốc PVPower "phản pháo" một số bị cáo
Tiếp đó, luật sư Phúc hỏi ông Vũ Huy Quang – nguyên TGĐ PVPower về hợp đồng EPC số 33. Ông Quang cho biết, hợp đồng số 33 chưa có giá trị pháp lý vì chưa được HĐTV phê duyệt. Trước đó, sáng 10/1, ông Quang nói: “PV Power là đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán độc lập với PVN. Dù non trẻ nhưng cán bộ, kỹ sư, công nhân… hoàn toàn đủ điều kiện là chủ đầu tư Thái Bình 2… PVN có yêu cầu PVPower phải ký hợp đồng trước 26/3/2011. Trong hợp đồng 33, mục tiêu ký hợp đồng chỉ để để khởi công, đây là hợp đồng tạm để khởi công, không dùng cho việc khác”.
Ông Quang cũng khẳng định: “Hợp đồng số 33 chưa được HĐTV PV Power phê duyệt nên chưa có hiệu lực. Điều 3 hợp đồng thể hiện giá cả chỉ là tạm tính. Hợp đồng này không có giá trị pháp lý... Các bị cáo, nhân chứng nói tại tòa rằng không biết thiếu sót của hợp đồng 33 cho đến thời điểm tháng 5/2011 là sai vì trong tháng 3/2011, ông Thăng tổ chức cuộc họp công bố thành lập Ban quản lý Dự án Thái Bình 2, bổ nhiệm Vũ Hồng Chương làm giám đốc Ban quản lý.
Tại cuộc họp này, ông Thăng yêu cầu các đơn vị có liên quan báo cáo vướng mắc khó khăn trong quá trình chuyển giao dự án. Tôi có báo cáo, nói rõ hợp đồng số 33 cực kỳ thiếu sót và cần hủy để ký lại. Vì có báo cáo của tôi nên ông Thăng cho vào kết luận cuộc họp yêu cầu BQL rà soát lại hợp đồng”.
Ông Vũ Huy Quang tiếp lời: “Tôi mong muốn có thời gian chuẩn bị cho ngày khởi công, không thể có mấy ngày hoàn thành các thủ tục. Bản thân Cty chưa xác định ngày khởi công vì thủ tục pháp lý chưa đủ, khi PVN yêu cầu chúng tôi có báo cáo cho chúng tôi mấy ngày để chuẩn bị...”.