> Bồi dưỡng bí thư Đoàn cấp tỉnh
> “Thủ lĩnh” Đoàn khối trường học hiến kế
Sáng sớm, xưởng may ở xã Dân Chủ (Hưng Hà, Thái Bình). Ông chủ Phạm Hữu Trường, SN 1975, bê từng kiện hàng lên ô tô. “Xưởng có gần 50 máy may, ngoài 50 lao động chính thức còn 3 cơ sở vệ tinh, liên tục tạo việc làm thêm cho khoảng 70 người trong làng, xã. Mức lương trung bình 1,5 triệu đồng/người/tháng, tiến tới sẽ nâng lên 2 triệu đồng”. Trường cho biết.
Có bằng ĐH Nông nghiệp và CĐ Quản trị kinh doanh, Trường không ở lại thành phố mà về quê đi học nghề và làm đủ nghề như thêu ren, may khăn mặt, làm đá quý…, nhưng đều thất bại do không có đầu ra cho sản phẩm, lại thiếu kinh nghiệm.
Để lập xưởng may, phải có vốn lớn, Trường thế chấp sổ đỏ, vay ngân hàng 150 triệu đồng. Rồi anh đến từng nhà vận động thanh niên ở lại xã làm việc cho xưởng may. Khó khăn chồng chất, đa số bạn trẻ làm việc tại xưởng đều có trình độ thấp, chưa tiếp xúc với máy móc nên Trường phải cất công đào tạo.
Ban đầu, xưởng may áo sơ mi, rồi liên kết với các công ty lớn để xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Gần đây Trường còn may đồng phục học sinh với những đơn hàng lớn ký trực tiếp với các trường học.
Lao động trong xưởng may đều là ĐVTN trong xã. Nguyễn Thị Huệ, 24 tuổi, chia sẻ “ Được anh Trường giúp đỡ, tôi vào làm ở xưởng may này mà không phải đi làm ăn xa, vừa chăm sóc được bố mẹ già, thu nhập cũng ổn định”.
Không chỉ kinh doanh giỏi, từ năm 1998, Trường là Bí thư chi Đoàn thôn, rồi Bí thư Đoàn xã Dân chủ.
Năm 2006, Phạm Hữu Trường được nhận Giải thưởng 26-3, giải thưởng cao quý của T.Ư Đoàn. Từ năm 2002 anh liên tục được T.Ư Đoàn tặng bằng khen là Bí thư Đoàn cơ sở có thành tích xuất sắc.