Thư ký báo chí của Tổng thống Biden, Jen Psaki, nói ông Biden điện đàm với ý định thảo luận về hiệp ước hạt nhân START Mới, với hy vọng đạt được thỏa thuận gia hạn với Moscow; vấn đề Nga - Ukraine; vụ tấn công mạng SolarWinds; thông tin Nga treo thưởng giết lính Mỹ ở Afghanistan; các cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ và vụ “đầu độc” Alexei Navalny.
Theo CNN, nội dung cuộc nói chuyện giữa hai vị tổng thống phản ánh tình trạng không mấy tốt đẹp trong quan hệ giữa Washington và Moscow mà ông Biden thừa hưởng từ chính quyền tiền nhiệm. Ông Biden từng cáo buộc Tổng thống Donald Trump tỏ ra quá mềm yếu trước Nga.
Các quan chức Mỹ cho biết, ông Biden đã yêu cầu thuộc cấp xem xét lại các vấn đề liên quan đến Nga và có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nước này. Nhưng ông cũng đưa ra đề nghị mới về hiệp ước hạt nhân, cho thấy ông sẵn sàng làm việc với Tổng thống Putin.
Hôm thứ Ba, Tổng thống Biden nói chuyện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, một động thái mang tính biểu tượng cho thấy vai trò của liên minh trong việc đối đầu Nga ở châu Âu. Ông Biden cũng nói chuyện với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Anh, thảo luận một số vấn đề, trong đó có các câu chuyện liên quan đến Nga.
Ông Putin là một trong những nhà lãnh đạo thế giới cuối cùng chúc mừng ông Biden đắc cử tổng thống. Hai người từng gặp nhau khi ông Biden là phó tổng thống và có chuyến thăm Moscow.
Gia hạn hiệp ước vũ khí hạt nhân
Theo một bình luận trên Foreign Policy, khi Joe Biden bắt đầu ổn định vị trí tại Phòng Bầu dục, các đường nét trong chính sách về Nga của ông bắt đầu thành hình. Mới đây, ông Biden chỉ đạo giám đốc tình báo quốc gia Avril Haines xem xét toàn diện một loạt hành vi của Nga trong những tháng gần đây. Theo Washington Post, bà Haines sẽ mở các cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2020, vụ Alexei Navalny, tiền thưởng, vụ tấn công mạng SolarWinds.
Tuy nhiên, theo Foreign Policy, vẫn có chỗ cho hợp tác Nga-Mỹ, rằng ông Biden vẫn cần sự hợp tác của Nga trong việc hạn chế vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận START Mới sẽ hết hạn vào ngày 5/2. Theo hãng tin TASS của Nga, hôm 27/1, thứ trưởng ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng, Nga và Mỹ đã đồng ý gia hạn START Mới mà không cần các điều kiện tiên quyết, như Moscow từng đòi hỏi.
“Trong 5 năm, không có điều kiện tiên quyết, không có bất kỳ điều khoản bổ sung nào, không có bất kỳ phụ lục nào,” ôngRyabkov nói.
Thứ trưởng Ryabkov cho biết, trước đó, ông trao đổi với Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan để ghi nhận về việc gia hạn hiệp ước START Mới trong 5 năm. Ông nhấn mạnh rằng, quyết định này mang tính đôi bên cùng có lợi và là “quyết định duy nhất đúng”. “Chúng ta hiện có thời gian để khởi động và tổ chức các cuộc đàm phán song phương về toàn bộ các vấn đề ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược, đảm bảo an ninh của nhà nước chúng ta trong một thời gian dài phía trước. Không nghi ngờ gì nữa, nếu không gia hạn Hiệp ước START Mới trong 5 năm, nhiệm vụ này sẽ khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh quyết định của chính quyền Biden đồng ý với đề xuất gia hạn 5 năm của chúng tôi,” ông Ryabkov nói.
Thượng viện Mỹ đã chuẩn y nhà ngoại giao kỳ cựu Antony Blinken làm ngoại trưởng theo đề cử của Tổng thống Biden, theo Reuters. Ông Blinken là người bạn lâu năm của ông Biden, từng là nhân vật số 2 của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tân ngoại trưởng Blinken cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh sau giai đoạn chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump đối với các vấn đề đối ngoại. Ông Blinken nói sẽ nỗ lực hồi sinh nền ngoại giao bị tổn hại của Mỹ và xây dựng một mặt trận thống nhất để chống lại những thách thức do Nga, Trung Quốc và Iran đặt ra.