Ồn ào giữa nhạc sĩ Đỗ Hiếu và ca sĩ Noo Phước Thịnh

TP - Những ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện về thu tiền bản quyền âm nhạc giữa ca sĩ Noo Phước Thịnh và nhạc sĩ Đỗ Hiếu. Đây không phải trường hợp tranh chấp duy nhất liên quan bản quyền sản phẩm âm nhạc nổ ra gần đây.

Lại ồn ào

Tranh chấp tác quyền dẫn đến đấu tố, cạch mặt nhau giữa nghệ sĩ biểu diễn và chủ thể sáng tác là câu chuyện muôn thuở ở làng nhạc Việt. Ồn ào giữa nhạc sĩ Đỗ Hiếu và ca sĩ Noo Phước Thịnh một lần nữa khiến câu chuyện bản quyền nóng lên.

Vụ việc tranh chấp tác quyền giữa ca sĩ Noo Phước Thịnh và nhạc sĩ Đỗ Hiếu thu hút sự quan tâm của công chúng

Ngày 31/10, trên trang cá nhân, nhạc sĩ Đỗ Hiếu tuyên bố, Noo Phước Thịnh không được phép biểu diễn ca khúc Gạt đi nước mắt và gần chục sản phẩm khác. Nam nhạc sĩ cho biết, đây là những bài hát do Noo Phước Thịnh trình bày, nay đã hết độc quyền sau hai năm. Đỗ Hiếu chia sẻ, trong suốt thời gian dài hai bên chưa hoàn tất việc thương lượng và thống nhất được các vấn đề liên quan tới chi phí tác quyền, cũng không tiến hành gia hạn hợp đồng.

“Từ ngày 28/10/2023, tôi xin thông báo, mọi hành vi biểu diễn và sử dụng các tác phẩm âm nhạc của Đỗ Hiếu không có sự đồng ý của tác giả được xem như hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc. Hy vọng bên ca sĩ tôn trọng tác giả, quyền tác giả và dừng lại hành vi biểu diễn, thu lợi nhuận từ việc biểu diễn các ca khúc nêu trên”, nhạc sĩ Đỗ Hiếu nói.

Một số chương trình, sự kiện âm nhạc đóng tác quyền âm nhạc cho nhạc sĩ thông qua Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCMPC)

Về phần mình, Noo Phước Thịnh khẳng định, từ trước đến nay, theo nguyên tắc mỗi sô diễn ban tổ chức đều phải xin giấy phép của sở quản lý văn hóa và đóng tác quyền các ca khúc biểu diễn trong chương trình thông qua Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Trung tâm này đã được các nhạc sĩ, trong đó có Đỗ Hiếu ủy quyền để nhận tiền tác quyền.

Noo Phước Thịnh nói rằng, mỗi ca khúc anh mua độc quyền trong hai năm. Câu chuyện yêu cầu tái ký mới được Đỗ Hiếu trao đổi với phía ca sĩ cách đây một tháng, thông qua người quản lý. “Tuy nhiên, tôi quyết định không tái ký độc quyền, vì một số lý do”, nam ca sĩ tiết lộ. Khi có nhu cầu, anh sẽ trao đổi lại với phía nhạc sĩ và hoàn toàn tôn trọng các quy định về tác quyền biểu diễn của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. Ngoài ra, Noo Phước Thịnh cho biết, chỉ ký quyền biểu diễn với các công ty nhạc số, còn lại quyền tác giả do nhạc sĩ tự ký với các đơn vị này.

Cách đó vài ngày, ông bầu Hoàng Tuấn - quản lý của ca sĩ Đan Trường - đệ đơn khởi kiện ba ca sĩ gồm Thái Trinh, Bằng Cường và Dương Edward vì dùng nhạc độc quyền của HT Productions. Tuy nhiên, sự việc sớm lắng xuống vì thái độ hợp tác của Thái Trinh và Bằng Cường.

Trường hợp của ca khúc Túy âm, tác giả Xesi “tố” Ngọc Mai hát mà không xin phép tác giả cũng gây ồn ào thời gian dài. Vụ tranh chấp liên quan đến bài thơ Gánh mẹ giữa tác giả Trương Minh Nhật với nhạc sĩ Quách Beem cũng tốn nhiều giấy mực của truyền thông khi kéo dài suốt 5 năm mới đi tới hồi kết.

Không thể cảm tính

Chia sẻ về bản quyền, tác quyền sản phẩm âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, sự hợp tác giữa ca sĩ và nhạc sĩ dựa trên những điều khoản, sự ràng buộc và thoả thuận giữa hai bên. Nam nhạc sĩ giải thích, có tác giả chỉ bán tác quyền - trong cùng khoảng thời gian, nhiều ca sĩ có thể hát một bài hát. Tuy nhiên, có nhiều tác giả muốn bán độc quyền.

“Trong khoảng thời gian độc quyền, chỉ có cá nhân ca sĩ được biểu diễn, phát hành đĩa DVD, CD, diễn trên các đài truyền hình, sự kiện... Việc đóng tiền tác quyền sau khi hết hạn hợp đồng là điều đương nhiên. Ví dụ, sau khi hết hợp đồng với một ca sĩ độc quyền bài hát trong hai năm, tôi có thể bán tác quyền cho ca sĩ khác. Tôi có quyền thu hay không thu tiền tác quyền dựa trên sự quen biết, thân thiết, quý mến. Nếu tôi muốn thu tác quyền đó là điều đương nhiên mà không phải là vòi tiền”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phân tích.

Các đơn vị tổ chức chương trình, sự kiện âm nhạc có trách nhiệm phải xin tác quyền cho tác phẩm của chương trình đó, chỉ biểu diễn một lần duy nhất. Ca sĩ phải mua tác quyền, bởi họ không chỉ hát cho một chương trình mà còn hát ở nhiều chương trình khác nhau, hoặc quay clip đăng tải lên các nền tảng nhạc số, mạng xã hội… Không thể lấy lý do có đơn vị tổ chức trả tiền, ca sĩ không cần trả nữa.

Để hạn chế tình trạng gây tranh cãi giữa ca sĩ và nhạc sĩ, chủ nhân ca khúc Nhật ký của mẹ nhấn mạnh, cần những thỏa thuận minh bạch, rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, anh cho rằng, nên hạn chế làm việc theo cảm tính. “Ai cũng nói tình đồng nghiệp thân thiết, nhưng tôi nghĩ tốt nhất chúng ta nên tôn trọng nhau như hai đối tác. Nền tảng của sự tôn trọng nó sẽ dẫn tới sự quý mến. Người ta chỉ quý mến khi họ cảm thấy được tôn trọng và công bằng, đừng lấy chữ thân thiết ra để gây tranh cãi sau này”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh.

Luật sư Trần Văn Giới (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, theo quy định pháp luật hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm hai nội dung là quyền nhân thân và quyền tài sản. Các quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm không được giao cho người khác, ngoại trừ quyền công bố tác phẩm hoặc quyền đặt tên cho tác phẩm. Đối với các quyền tài sản, trong đó nổi bật là quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, tác giả có quyền chuyển giao cho người khác.

Về vụ việc giữa nhạc sĩ Đỗ Hiếu và ca sĩ Noo Phước Thịnh, luật sư Trần Văn Giới nêu quan điểm: “Nếu không có điều kiện khác ràng buộc, chỉ đơn thuần là hợp đồng đã hết hạn bản quyền, việc nhạc sĩ Đỗ Hiếu cảnh báo và yêu cầu ca sĩ Noo Phước Thịnh không được biểu diễn ca khúc thu lợi nhuận khi đã hết hạn hợp đồng mà không gia hạn hoặc không xin phép tác giả là hành động tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Đây là việc làm phù hợp với quy định pháp luật”, luật sư nói.

Pháp luật Việt Nam luôn đề cao việc xây dựng các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bởi khi quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ sẽ khuyến khích sự sáng tạo và từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

Trước đó, tại Tọa đàm Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Thủ Đô Multimedia cho biết, có đến 80% vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số, gây thất thoát 348 triệu USD năm 2022, tương đương 7 nghìn tỷ đồng. Vi phạm bản quyền trên toàn cầu gây thiệt hại 65 tỷ USD cho ngành âm nhạc, phim và truyền hình trên toàn thế giới năm 2022. Trong đó, vi phạm bản quyền âm nhạc chiếm đến 16%.