Tại các quốc lộ 25, 29 đi qua địa bàn các huyện Tây Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) hàng chục điểm thu mua sắn cây mọc lên ồ ạt. Trước kia cây sắn sau khi thu hoạch thường bỏ đi, nhưng sau 2 năm vắng bóng, hiện thương lái sùng sục về tận các địa phương này để đặt hàng mua cây sắn, khiến việc mua bán sắn cây diễn ra khá rầm rộ.
Tình trạng thương lái ồ ạt đến Phú Yên thu mua cây sắn diễn ra đã gần 1 tháng nay. Điều khó hiểu là việc thu mua này chỉ diễn ra ở gần cuối vụ, thời điểm lượng cây sắn không nhiều. Những người trực tiếp thu mua từ đâu đến, cây sắn được sử dụng với mục đích gì thì không ai biết. Nhưng vì lãi cao và dù mới chỉ nhận trước 30% tiền đặt cọc của đầu nậu, nhiều người vẫn đổ về các vùng trồng sắn để thu gom cây sắn.
Hì hục băm chặt cây sắn, chị Nguyễn Thị Tình, một nông dân ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), cho biết: “Cứ 20 cây thành một bó, bán 6 ngàn đồng. Đàn ông mạnh tay chặt bán kiếm 150 đến 200 ngàn đồng mỗi ngày”. Nhiều gia đình cùng huy động đi chặt. Ban đầu chặt cây sắn của gia đình trồng, sau đó họ lên tận các xã Sơn Định, Sơn Long (Sơn Hòa) tìm chặt sắn. Tai nạn đau lòng cũng xảy ra. Ngày 30/5 mới đây, ông Trương Tấn Thảo (52 tuổi, ở xã Xuân Quang 3) lên xã Sơn Định chặt sắn, khi về xe công nông bị lật, khiến ông chết tại chỗ.
Khắp ngã ba, ngã tư các xã Sơn Thành Đông, Hòa Phú (Tây Hòa) cây sắn giống được tập kết đủ các kích cỡ chờ xe chở đi tiêu thụ. Tại vùng trồng sắn các xã An Thọ, An Xuân (Tuy An), sắn cây cũng được thương lái săn lùng ráo riết. Trước đây mua cây sắn to khỏe, sau khan hiếm dần thì “mót” cả cây nhỏ.
Theo bà Trần Thị Diệu ở xã An Thọ (Tuy An), thương lái lùng sục từng nhà hỏi mua nên cũng vác rựa dạo các bờ gò tìm chặt sắn giống bán. Thậm chí cạn nguồn, người này còn lấy trộm cây sắn của người khác. Xã An Thọ hiện cây sắn giống hầu như không còn.
Theo nhiều người dân, chỉ cần mua đủ một xe sắn, những người đứng ra làm trung gian sẽ lãi khoảng 2 triệu đồng. Nên ai cũng đứng ra thu gom. Điều này tạo ra tình trạng khan hiếm cây sắn, bởi người mua thì nhiều mà sắn lại vào cuối vụ.
Ông Lương Văn Hảo, ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh), cho biết, sau khi đặt đủ một xe (từ 1,2 đến 2,1 ngàn đồng mỗi bó), các thương lái sẽ đến nhận hàng. Mối thu mua chính ở đâu thì không ai biết, và người dân cũng không quan tâm.
Cạn giống
Ông Phạm Quốc Thông, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang (Sông Hinh) cho biết, chính ông cũng không biết họ mua cây sắn để làm gì. Xã có khuyến cáo nhưng người dân vẫn đổ xô chặt bán, khiến nhiều diện tích trồng sắn trước thiếu giống để trồng dặm.
Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, một tài xế xe tải ở huyện Đồng Xuân, cây sắn được thu mua rồi chở thẳng lên Gia Lai bán lại cho các thương lái đặt hàng. Còn họ bán đi đâu thì không rõ. Chị Thủy, một thương lái mua sắn cây ở huyện Tây Hòa cho hay, cây sắn mua xong chở vô các tỉnh phía Nam bán lại cho khách hàng đặt sẵn theo thỏa thuận.
Đáng lo ngại là hiện nay, các vùng trồng sắn ở Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An đang bị bệnh chổi rồng. Bệnh nhện đỏ hại sắn cũng đang phát sinh gây hại tại Sông Hinh, Sơn Hòa. Các bệnh này lây truyền nhanh qua đường vận chuyển hom giống, vì vậy nếu không ngăn chặn kịp thời bệnh sẽ lây lan diện rộng, khả năng bùng phát thành dịch.
Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, cho hay: Để phòng trừ bệnh chổi rồng, nhện đỏ hại sắn tuyệt đối không sử dụng các hom sắn ở khu vực đã bị bệnh. Và cần tiêu hủy triệt để thân cây sắn và tàn dư còn tươi ở các vùng sắn đã bị bệnh.
Chính quyền nhiều địa phương cho rằng, đây là hiện tượng không bình thường, nhưng để ngăn chặn là rất khó. Bởi đây là loại phụ phẩm nếu không có người mua chỉ bỏ đi. Vì vậy, chính quyền không thể can thiệp. Nhưng nếu không hạn chế sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu giống. Những người trung gian đứng ra thu mua cũng rất dễ bị mất tiền nếu như thương lái không trở lại thu mua như những năm trước đây.