Nước tiểu - 'Bản báo cáo sức khỏe' của thận

Đi tiểu rất nhiều lần trong ngày, hay tiểu đêm, hoặc tiểu rất ít, nước tiểu đục có phải đã mắc bệnh thận?
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn Internet

Thận chịu trách nhiệm làm sạch máu, giữ lại những gì cơ thể cần và thải chất cặn bã ra ngoài. Do đó, số lượng nước thải mỗi ngày là bản báo cáo tình hình sức khỏe của thận.

Thông thường, cứ khoảng bốn tiếng đi tiểu một lần. Nếu mỗi tiếng đi tiểu một lần là biểu hiện bất thường. Tiểu nhiều lần trong ngày là dấu hiệu bệnh thận, nhưng cũng có thể mắc bệnh ở bàng quang. Để xác định bệnh, bác sĩ sẽ cho thử nước tiểu, cân nhắc triệu chứng xem bệnh xuất phát từ viêm bàng quang hay hẹp đường tiết niệu dưới...

Trường hợp tiểu nhiều lần, mỗi lần một lượng ít, nguyên nhân thường là từ thận hay niệu quản. Thận thải nước tiểu quá nhiều có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều).

Có nhiều nguyên nhân (bệnh ở đường tiết niệu, bệnh ở thận, bàng quang, bệnh nội tiết; bệnh ở tuyến tiền liệt…) gây ra triệu chứng tiểu nhiều lần, thậm chí gây khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Vì thế, khi thấy có khác thường, cần ghi nhận, “khai báo” với bác sĩ để tìm nguyên nhân.

Người có sức khỏe bình thường, trước khi đi ngủ đã tiểu thì không tiểu đêm. Chỉ tiểu đêm khi bữa ăn tối dùng nhiều thức ăn lỏng như: cháo, xúp, uống bia, nước ngọt…

Nếu trước đó, ban đêm không hề đi tiểu, nhưng gần đây đang đêm ngủ phải đi tiểu một lần cũng là có vấn đề, cần đi khám để tìm nguyên nhân. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm về máu và nước tiểu để tìm ra bệnh lý của chủ mô thận hay bàng quang.

Lượng nước tiểu được xem là ít nếu trong 24 tiếng “xuất” được 400ml. Tình trạng này, y khoa gọi là thiểu niệu, nếu lượng nước tiểu quá ít gọi là vô niệu. Khi thiểu niệu hoặc vô niệu, chắc chắn đã có bệnh liên quan đến thận, cần đi khám chuyên khoa tiết niệu - thận học.

Về điều trị, thường dùng thuốc, nhưng có ca phải phẫu thuật, ví dụ như sỏi chẹn hai bên thận. Với bệnh mạn tính như suy thận giai đoạn cuối sẽ gây ra rối loạn các hằng số sinh học trong máu, cần điều trị bằng chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc, ghép thận.

Suy thận giai đoạn cuối có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Nước tiểu đục thường thấy sau khi để nước tiểu lắng qua đêm, thường do những chất hòa tan trong nước tiểu như muối photphat, carbonat, oxalat… trầm hiện. Trường hợp này không phải bệnh lý, không nên lo lắng.

Nước tiểu đục là biểu hiện của bệnh lý. Ví dụ: tiểu ra mủ do nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau; tiểu đục do giun chỉ làm nghẹt thận, tiểu ra dưỡng trấp (các chất dinh dưỡng được hấp thu từ thức ăn qua ruột, chủ yếu là lipid)… Tùy nguyên nhân mà bác sĩ ra chỉ định xét nghiệm, ví dụ thử nước tiểu tìm dưỡng trấp và thử máu tìm giun chỉ…

Tiểu ra chất khoáng do tăng photphat trong máu, tăng oxalat… Trường hợp này nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.

Theo Theo Phụ nữ Online